Thời gian qua, thực hiện tiêu chí số 13 trong chương trình xây dựng nông thôn mới về tổ chức sản xuất, huyện Hoà An đã tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chủ động triển khai trồng nhiều loại cây hoa màu, tạo thu nhập cho người dân. Hiện, toàn huyện có 4 loại cây chủ lực là cây thuốc lá, cây lúa, rau màu và đậu - đỗ tương.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Theo ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà An, toàn huyện hiện có 53 HTX đăng ký hoạt động, trong đó có 5 HTX nông nghiệp, có 18 HTX hoạt động không hiệu quả. Thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu mỗi năm xây dựng 2 HTX hoạt động có hiệu quả. Mô hình HTX nông nghiệp chuyển đổi sang trồng ớt là những vấn đề mà huyện Hoà An đang hướng tới.
![]() |
Ông Đoàn Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà An hướng dẫn bà con chăm sóc ớt |
Từ năm 2018, huyện hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn Môi trường và Nông nghiệp (Công ty DACE) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển 2 loại cây là ớt và gừng.
Lãnh đạo huyện Hoà An cho biết, dự kiến năm 2020, huyện sẽ phát triển diện tích trồng ớt lên 20ha, gừng hơn 100ha với mục tiêu chuyển đổi canh tác sang hướng hữu cơ và Công ty DACE sẽ đảm bảo thu mua hết sản phẩm từ vùng nguyên liệu này.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - tổ hợp tác này không chỉ giúp việc tiêu thụ sản phẩm của hộ nông dân khá thuận lợi, nâng cao thu thập mà còn tạo được cho bà con Hoà An thay đổi phương thức canh tác, có một ý thức chung tay xây dựng cộng đồng, làng xã.
Đánh giá về những tín hiệu vui trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ông Hưởng cho biết: “Người dân Hoà An đã có những thay đổi lớn trong nhận thức. Gần như trước đây, bà con chủ yếu trồng tự phát các loại cây mình muốn, thì nay họ đã biết trồng các loại cây phù hợp thông qua việc tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cũng dần bị xóa bỏ, thay vào đó là hoạt động của các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sản xuất để cùng nhau xây dựng kế hoạch, hướng phát triển. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng giúp cho các xã trong huyện Hoà An hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.
Thử nghiệm mô hình trồng ớt
Về huyện Hoà An đúng vào vụ thu hoạch ớt chúng tôi nhận thấy, những ruộng ớt chín đỏ báo hiệu một vụ khấm khá. Trong niềm vui phấn khởi, bà Đàm Thị Thiên, thôn Vò Rài, xã Hồng Việt, huyện Hoà An chia sẻ: Trước đây, các gia đình trong thôn đều trồng rau và trồng lúa. Cây rau nếu được mùa và tiêu thụ hết thì sẽ cho giá trị kinh tế cao nhưng đầu ra phập phù. Gia đình tôi có 3 sào rau nhưng nhiều khi ế quá, bán cũng như cho. Từ khi huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận động bà con trồng ớt nên gia đình tôi cùng các gia đình chòm xóm vui vẻ làm theo hướng dẫn của huyện.
![]() |
Bà Đoàn Thị Thiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăm sóc cây ớt |
Ớt là cây trồng ngắn ngày, từ lúc trồng đến thu hoạch 4 tháng. Ngoài lợi thế đó, ớt phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Hoà An, cho giá trị kinh tế cao.
“Đầu tư 1ha ớt chi phí hết 45 triệu đồng, doanh thu 125 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí thì người nông dân cầm về 79 triệu đồng/1ha”, ông Đoàn Thanh Hưởng nói.
Để canh tác hiệu quả hơn, huyện và xã đã hướng dẫn bà con lập tổ hợp tác với 34 hộ tham gia, tổng diện tích canh tác 2,7ha. Là tổ trưởng Tổ hợp tác trồng ớt của thôn, bà Thiên cho biết đây là vụ thứ hai, bà con ở đây trồng ớt.
Trong quá trình trồng, các hộ thành viên được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng phân bón và chăm sóc ớt nên sản lượng ngày càng được nâng cao. Nhờ cây gia vị mang giá trị kinh tế cao này đã giúp bà con trong huyện xoá đói giảm nghèo. Các thành viên tổ hợp tác cũng không phải lo đầu ra cho sản phẩm vì công ty vào tận ruộng thu mua với giá 9.000 đồng/kg nên bà con sản xuất ra đến đâu hết đến đó.
"Tổ hợp tác chúng tôi có 34 thành viên đều rất phấn khởi do sản xuất có đầu ra. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới thời tiết ủng hộ, trái ớt của chúng tôi sẽ được mùa hơn", bà Thiên nói.
![]() |
Đối tác của công ty DACE thăm vùng nguyên liệu trồng ớt ở Hoà An |
Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập từ cây ớt, UBND huyện Hoà An, công ty DACE đang tiếp tục phối hợp với một số nhà khoa học để tìm giải pháp tốt nhất cho loại cây trồng này, bằng cách tham quan mô hình trồng ớt tại Thái Bình, Cần Thơ.
Tại Thái Bình, trồng ớt 3 tháng có quả, 4 tháng sau thu hoạch hết, năng suất đạt 20-25 tấn/ha. Như vậy một năm Thái Bình trồng ớt được 2 vụ. Tại Hà Quảng (Cao Bằng), người nông dân trồng 1 vụ, để cây ớt to lên trong vòng 2 năm liên tục. Còn tại Cần Thơ trồng 1 vụ nhưng để thu hoạch trong vòng 1 năm.
Theo ông Đoàn Thanh Hưởng, Hoà An đi sau nên vẫn phải “mày mò” xem cách đi nào phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Vì năm 2019, do mưa nhiều, nước không thoát kịp, ớt bị hỏng nhiều, năng suất không cao.
Hơn nữa, đầu năm 2019 đang trồng thử nghiệm, gieo ớt mọc chậm, dân tiếc đất, trồng xen rau nên khả năng mắc bệnh cao. Đặc điểm của ớt là trồng phân ủ, nhưng nhiều hộ dân nắm kỹ thuật còn chưa tốt, chế phẩm ủ về không ủ lại tưới luôn nên ảnh hưởng chung.
Trồng ớt hữu cơ không hề dễ, nhất là người nông dân ở Hoà An đã từng sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Tuy nhiên ông Hưởng cho rằng nếu có sự đồng lòng, quyết tâm thì vẫn có thể chuyển đổi sang trồng hữu cơ được và ban đầu có thể xử lý bằng vôi.
Nói về định hướng quy hoạch cây trồng trong tương lai, theo Phó Chủ tịch huyện Hoà An, quan trọng là người dân đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, định hướng vùng.
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp tốt với công ty DACE giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật, có kế hoạch tập huấn cho chính cán bộ địa phương và sẽ có thể cầm tay chỉ việc cho nông dân.
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập mà các thành viên trong Tổ hợp tác trồng ớt thôn Vò Rài, xã Hồng Việt, huyện Hoà An đạt được vừa là nhân tố điển hình, vừa là động lực để các xã khác học tập.
Hiện có thêm xã Đức Long, một xã trồng cây thuốc lá, do người dân sản xuất vất vả mà hiệu quả không cao nên cũng muốn chuyển đổi sang trồng cây ớt.
Trang Minh