Các giải pháp được lãnh đạo tỉnh Hà Nam đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp các HTX nông nghiệp kiểu mới vượt qua khó khăn, vướng mắc, phát triển lớn mạnh, đóng góp chung cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.
Câu chuyện của những người “mở đường”
HTX Đức Huy, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân là một mô hình tiêu biểu đi đầu trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn. Hiện, HTX đang liên kết với 2 cơ sở tại xã Chính Lý và thị trấn Vĩnh Trụ sản xuất 2ha bắp cải, cải bó xôi với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mặc dù trồng tại 3 điểm không tập trung nhưng đều được HTX áp dụng chung một quy trình sản xuất. Đây đều là những điểm có kinh nghiệm trong triển khai sản xuất rau, củ, quả an toàn, theo tiêu chuẩn GlobalGAP cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart.
Ông Dương Văn Ước, Giám đốc HTX Đức Huy cho biết: “Các điểm sản xuất cần đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tỷ lệ sản phẩm loại 1 đạt cao để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu rau sạch của các HTX. Chỉ có như vậy mới nâng cao được giá trị nông sản và được các doanh nghiệp thu mua”.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các HTX sẽ giúp gia tăng giá trị để xuất khẩu |
Cũng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, HTX nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng đã liên kết với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco sản xuất 4ha bắp cải để xuất sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng bắp cải tiêu thụ 100 tấn/vụ, giá từ 6.000 - 7.000đồng/kg, thời gian thu mua kéo dài từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Riêng vụ thu hoạch nông sản vừa qua, trừ chi phí đã giúp cho HTX thu lãi gần 200 triệu đồng.
Khu ruộng sản xuất rau bắp cải theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX nông sản an toàn Liên Hiệp có khá nhiều thay đổi so với trước đây. Tại đầu mỗi thửa ruộng đều có nhật ký ghi cụ thể loại bắp cải, ngày gieo cây giống, ngày trồng, dự kiến thời gian thu hoạch… Những kỹ thuật sản xuất mới cũng được áp dụng trong mô hình (từ phủ nilon trên luống đến tưới phun sương tự động bằng hệ thống đường ống chạy dọc theo các luống rau…). Nguồn nước tưới cho bắp cải bảo đảm yêu cầu được tổ chức đứng ra chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP xét nghiệm từ khi khảo sát, lựa chọn địa điểm sản xuất.
Ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Liên Hiệp cho biết: Xác định đây là tiêu chuẩn cao nhất của sản xuất nông nghiệp sạch và sản phẩm được xuất sang thị trường “khó tính” Nhật Bản, nên HTX thực hiện theo đúng quy trình được tập huấn, hướng dẫn. Sau một thời gian triển khai, đến thời điểm này, HTX tin tưởng sản phẩm sẽ được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các HTX
Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 206 HTX nông nghiệp, trong đó chỉ có 6 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ và ký kết bao tiêu nông sản với các doanh nghiệp. Còn lại đa số các HTX đều vừa sản xuất theo phương pháp truyền thống và vừa tự lo đầu ra cho nông sản.
Trồng rau hữu cơ giúp các HTX có nhiều cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp vào các chuỗi siêu thị |
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Lê Văn Vọng nêu lên những bất cập, khó khăn trong phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới hiện nay tại Hà Nam: “Điểm nghẽn lớn nhất là nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, khu chế biến nông sản, trụ sở làm việc, nguồn nhân lực có trình độ... Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng công nghệ của các HTX còn hạn chế, nông sản do các HTX, nông dân sản xuất tự tiêu thụ theo hướng bán tự do tại các chợ truyền thống hoặc thương lái tự do, chưa có hợp đồng tiêu thụ với đầu mối lớn, ổn định nên thường bấp bênh về giá cả, hay bị thương lái ép giá”.
Để khơi thông những "điểm nghẽn" đối với các HTX nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, chính quyền, các cấp ngành đã tích cực vào cuộc để hỗ trợ các HTX nông nghiệp, nông dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành như: KH&ĐT, NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh và các địa phương triển khai các giải pháp tháo gỡ để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt chú trọng vào công tác dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu nông sản giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo ngành TN&MT rà soát quỹ đất công và các nguồn quỹ đất khác để xem xét bố trí trụ sở làm việc cho các HTX, giúp các HTX có cơ sở vay vốn phát triển… Đồng thời, yêu cầu Liên minh HTX tỉnh, ngành công thương tổ chức hội chợ, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
“Về nguồn vốn cho các HTX nông nghiệp, ngoài nguồn vốn từ Quỹ tín dụng của Liên minh HTX, chúng tôi cũng đề nghị Liên minh HTX Việt Nam cần tích cực hỗ trợ vốn ưu đãi để các HTX được tiếp cận vay vốn đề đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống thành viên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, đồng thời xem xét để các HTX, thành viên HTX có thể tiếp cận với Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm”, ông Vượng thông tin.
Phạm Duy