Vượt qua bao khó khăn, thử thách, cô gái cựu sinh viên Khoa Quốc tế học, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay là Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Thương mại tổng hợp Po Mỷ với 7 thành viên cùng 2 cửa hàng phân phối các đặc sản của vùng cao Hà Giang ở Hà Nội, doanh thu đạt vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Trăn trở với nông nghiệp
Lưu Thị Hòa cho chia sẻ: "Em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi còn bao khó khăn, đồng bào bữa đói bữa no. Em chỉ muốn góp chút kiến thức và tâm huyết của mình để xây dựng quê hương. Nghĩ là làm, em đã quyết định thành lập HTX để khởi nghiệp từ nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp quê hương em phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con".
![]() |
Sản phẩm của HTX Po Mỷ được tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh (Ảnh: TL) |
Dám nghĩ, dám làm, Lưu Thị Hòa nhận thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của Đồng Văn thích hợp cho nhiều rau củ quả… phát triển. Tuy nhiên, hiện tại sản xuất của bà con manh mún, chỉ cung cấp được trong huyện, không thể mang ra ngoài tỉnh bán được. Hơn nữa, việc sản xuất truyền thống không theo quy trình cũng đang là hạn chế của nông nghiệp nơi đây.
Sau bao ngày đêm trăn trở, vừa tìm tòi, vừa học hỏi, Lưu Thị Hòa quyết tâm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để làm một cách bài bản, khoa học. Và rồi đến tháng 10/2017, HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ được thành lập với 7 thành viên.
Quy mô của HTX có 2.700m2 nông trại với quy trình khép kín. Giai đoạn đầu từ 12/2018 - 7/2019, HTX tập trung vào định hướng và tham khảo thị trường với các sản phẩm như mật ong hoa Bạc hà, lê, đào, mận, củ cải, bắp cải, đậu tằm, cải mèo, gừng đồi…
Sau bao ngày đêm trăn trở đi từ thất bại đến thành công, HTX có 1.000 cây lê đang khai thác và 1.000 cây trồng mới. HTX đã cho lưu thông trên thị trường sản phẩm lê Hà Giang với sản lượng 100kg/ngày về các thành phố lớn: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Sản phẩm lê đang trong giai tiến hành làm giấy chứng nhận sản xuất an toàn và nằm trong đề xuất gắn tem truy xuất nguồn gốc của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Văn. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh bước đầu đạt trung bình mỗi tháng vài trăm triệu đồng.
Thành công trên quê hương
Giai đoạn hai từ tháng 7/2019, HTX tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch từ nền tảng thế mạnh du lịch địa phương kết hợp nông trại đã xây dựng giai đoạn 1, tiến hành hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Huyện Đồng Văn được biết đến với mảnh đất mà đồng bào dân tộc “sống trên đá, chết vùi trong đá” nên đất đai để sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, cần phải được sử dụng một cách hiệu quả.
Năm 2018, Lưu Thị Hòa và các cộng sự tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4 năm 2018 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với các đối tác chiến lược tổ chức.
![]() |
Đạt giải khuyến khích cũng là động lực cho cô gái dân tộc Cờ Lao phấn đấu nhiều hơn nữa (Ảnh: TL) |
Dự án Hòa mang đến cuộc thi là “Farmstay - Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn - Hà Giang”. Dự án tập trung triển khai vùng trồng rau an toàn và cây ngắn ngày tại xã Phố Là, Sủng Là bước đầu là liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục những khó khăn trong quá trình canh tác và kết nối những sản phẩm đặc sản đến với thị trường rộng lớn hơn.
Dự án đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cho HTX, sau khi đầu tư dự án, lợi nhuận ổn định và tăng dần. Tạo công ăn việc làm cho thành viên và 7 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ và tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững; góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của địa phương, đóng góp không nhỏ vào cơ cấu kinh tế của huyện.
Tháng 11/2019, Lưu Thị Hòa đã lọt vào danh sách Short List Women of the future Awards - Giải thưởng Phụ nữ tương lai 2020, tôn vinh phụ nữ thành đạt tại các quốc gia Đông Nam Á, được chọn tham gia mạng lưới hợp tác toàn cầu của các phụ nữ tài năng đi đầu trong lĩnh vực phát triền kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị Đông Nam Á, ở hạng mục Social Entrepreneur.
Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của cô gái người dân tộc Cờ Lao cho cộng đồng, là một cột mốc quan trọng để Hòa phấn đấu hơn nữa, cố gắng hơn nữa cho đồng bào, cho quê hương.
Con đường khởi nghiệp vẫn còn nhiều chông gai phía trước, nhưng những bước đi táo bạo của Lưu Thị Hòa đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Đồng Văn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Minh Sơn