Xác định nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng là ngành kinh tế quan trọng góp phần nâng cao thu nhập của người dân, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, phát triển mạnh các loại cây rau màu, cây ăn quả...
Đổi mới phương thức sản xuất
Xã An Hòa, huyện Tam Dương, đang là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, đặc biệt là góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Các mô hình rau màu công nghệ cao đem lại hiệu quả bền vững (Ảnh TL). |
Nổi bật trong lĩnh vực trồng trọt của xã An Hoà là các mô hình trồng rau màu như dưa chuột, rau cải, su hào, bắp cải…
Trước đây, việc sản xuất theo quy cách an toàn, bảo vệ môi trường chưa được người dân quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, từ sau khi triển khai thí điểm mô hình sản xuất và xây dựng thương hiệu dưa chuột an toàn theo quy trình VietGAP, nhận thức của các hộ nông dân trong xã dần thay đổi.
Ông Đào Văn Bộ, cán bộ nông nghiệp xã An Hòa, cho hay toàn xã hiện có trên 30 ha trồng rau màu theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được giảm thiểu và thay thế dần bằng các loại phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có ngồn gốc sinh học.
“Mô hình sản xuất rau quả an toàn mang lại hiệu quả cao về kinh tế, đồng thời giảm thiểu các rủi ro ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất và tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường”, ông Bộ phấn khởi nói.
Không chỉ riêng An Hòa, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP với diện tích đạt trên 1600 ha.
Trong đó có 987 ha rau an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 695 ha rau sản xuất theo VietGAP với sản lượng rau an toàn ước đạt 40 nghìn tấn/năm.
Nâng tầm thương hiệu
Đặc biệt, hoạt động sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có sự tham gia đầu tư của nhiều HTX, doanh nghiệp như HTX rau an toàn ViSa, Rau an toàn Vân Hội Xanh, công ty CP Nông lâm nghiệp và Môi trường Vĩnh Hưng...
Vĩnh Phúc coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm (Ảnh TL). |
Xã Vũ Di đang đạt được nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, với điểm sáng là HTX dịch vụ tổng hợp Yên Nhiên.
HTX Yên Nhiên hiện có hơn 500 thành viên, với hơn 100ha diện tích gieo trồng các loại, trong đó có trên 50ha trồng cây bí đỏ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, HTX áp dụng nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian) trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học.
Những chính sách hỗ trợ thiết thực đang giúp ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Tường tạo nên những chuyển biến lớn, mang lại những lợi ích bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Điển hình như sử dụng chế phẩm sumitri phân hủy rơm rạ sau thu hoạch, thực hiện bón phân hữu cơ vi sinh thay thế 30% lượng phân hóa học, thay thế một phần nhiên liệu từ than bằng trấu trong kỹ thuật sấy hạt giống, nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thải khí độc hại ra môi trường…
Nhật Minh