Huyện Cát Hải có 10 xã và 2 thị trấn, trong đó có 6 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới là Phù Long, Trân Châu, Xuân Đám, Việt Hải, Gia Luận, Hiền Hào. Còn thị trấn Cát Bà, thị trấn Cát Hải và 4 xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Hoàng Châu không triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới do nằm trong phạm vi quy hoạch xây dựng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.
Điểm nhấn Xuân Đám
Trong những địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới, xã Xuân Đám nổi lên với những hoạt động trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp người dân tận dụng thế mạnh địa phương để nâng cao thu nhập.
Xuân Đám có diện tích tự nhiên hơn 1.000 ha, chia làm 4 thôn, 257 hộ, trên 1000 nhân khẩu. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn là địa phương đi đầu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 11/2016, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành địa phương đầu tiên của huyện Cát Hải về đích nông thôn mới. Hiện, xã đang nâng cao các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để có được những kết quả trên, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng thôn nông mới, tích cực hỗ trợ và khuyến khích người dân lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Đến nay, xã đã có không ít mô hình ở các lĩnh vực và cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân, tiêu biểu như: mô hình trồng hoa, dịch vụ du lịch hình thức homestay, trồng cam VietGAP hay mô hình trồng rau an toàn.
Là địa phương có diện tích trồng rau xanh lớn nhất của huyện Cát Hải, đến nay, xã đã liên kết người dân thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn Xuân Đám. Với diện tích 8ha, người dân tập trung trồng các loại rau như: rau muống, mùng tơi, cải, đay…
Mô hình trồng rau an toàn giúp hàng chục hộ dân Xuân Đán nâng cao thu nhập, thúc đẩy nông thôn mới. |
Do điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi thất thường, nếu trồng rau theo phương pháp truyền thống sẽ xảy ra tình trạng mất trắng.Trước khó khăn trên, tổ hợp tác đã hướng dẫn các hộ áp dụng quy trình VietGAP và đầu tư hệ thống nhà màng. Rau trồng trong nhà màng sẽ tránh được mưa, bão, nóng lạnh, hạn hán thất thường và tránh được dịch bệnh, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định hơn, đảm bảo cuộc sống và cũng góp phần cung ứng tốt hơn nhu cầu rau xanh cho người dân Cát Bà.
Song song đó, tổ hợp tác cùng chính quyền địa phương cải tạo hệ thống giao thông nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới nên rau phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho khoảng 30 hộ gia đình tại đây. Có hộ trồng nhiều đã cho thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng.
Do việc chuyển đổi đất sang làm đường giao thông phục vụ xây dựng nông thôn mới nên từ 10ha, đến nay, tổ hợp tác chỉ còn 8ha. Thời gian tới, tổ hợp tác sẽ tận dụng những diện tích đất hoang hóa, khuyến khích người dân chuyển đổi từ những vùng trồng cây không hiệu quả sang trồng rau an toàn nhằm tiếp tục tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã Xuân Đám chiếm 98%, thu nhập Bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/năm. 100% người dân được tiếp cận dịch vụ y tế, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chợ nông thôn được xây mới đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
100% hộ gia đình sử dụng điện thường xuyên từ nguồn điện lưới quốc gia. Các dịch vụ bưu chính viễn thông đảm bảo đã đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc, giải trí cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người dân học tập chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế.
Tạo đà phát triển
Bên cạnh Xuân Đám, các xã khác của huyện đều chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế đến hết 2025 của huyện.
Đến nay, Cát Hải đã xây dựng 14 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, du lịch trải nghiệm, nghề truyền thống… nhằm nâng cao thu nhập người dân như: Mô hình phát triển giống cam Gia Luận, gà Liên Minh; mô hình nhân rộng giống khoai sọ Mùn ốc xã Việt Hải, bảo tồn giống ong mật Cát Bà; phát triển đàn dê núi Cát Bà và mô hình nuôi hà sú, cây dược liệu xạ đen, trồng thanh Long ruột đỏ, trồng rau an toàn, chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học... Ngoài ra, huyện còn xây dựng các mô hình nuôi lợn nái, nuôi bò sinh sản.
Song song với phát triển nông nghiệp, huyện còn đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản đi đôi với thu hút khách du lịch vì đây là thế mạnh của địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2019, huyện đã đón 2,9 triệu lượt khách trong nước và quốc tế.
Một phần quang cảnh vịnh Cát Bà (huyện Cát Hải) ngày hôm nay. |
Nhờ phát triển đồng đều kinh tế, huyện đã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí về môi trường, y tế, giao thông… Đến nay, Cát Hải đã đạt 9/9 tiêu chí và không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là đời sống người dân được nâng lên một tầm cao mới khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,26%.
Theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, Cát Hải tuy là huyện đảo nhưng cách biệt không đáng kể về khoảng cách địa lý với thành phố Hải Phòng nên tạo điều kiên thuận lợi để huyện nhanh chóng về đích nông thôn mới. Với mô hình phát triển thế chân vạc “du lịch - dịch vụ cảng biển - thủy sản” gắn kết chặt chẽ cùng sự đổi mới trong kinh tế nông thôn khi về đích nông thôn mới, huyện sẽ từng bước trở thành một cực phát triển riêng có của Hải Phòng trên con đường hội nhập quốc tế.
Như Yến