Khu vực kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh Thanh Hóa có 26.884 tổ hợp tác (THT) và 881 HTX. Trong đó, chiếm số đông là 556 HTX dịch vụ nông nghiệp, thể hiện rõ vai trò định hướng các hộ thành viên ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiêu biểu như các HTX: Phú Lộc (Hậu Lộc), Tân Thành, Nga Yên (Nga Sơn), Định Tường, Định Long (Yên Định), Hoằng Hợp (Hoằng Hóa)… và một số HTX chuyên sâu chăn nuôi, sản xuất lúa giống, rau an toàn, hoa cây cảnh.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả
Khối công nghiệp làng nghề có 97 HTX, chủ yếu khai thác các sản phẩm lợi thế của tỉnh, như chế biến nông - lâm - khoáng sản, mây tre đan, cơ khí, vật liệu xây dựng... Điển hình trong lĩnh vực này là các HTX: Đồng Thắng (Triệu Sơn), Phú Thắng (Hậu Lộc), Trung Kiên (Hoằng Hóa), Hoàng Ánh (Hà Trung)... Các HTX công nghiệp làng nghề đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp Thanh Hóa năm 2015 gấp hơn 2,5 lần so với năm 2010.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn nhiều HTX điển hình trong các lĩnh vực vận tải, thương mại, xây dựng, môi trường, quỹ TDND... Đó là những HTX luôn hỗ trợ hiệu quả kinh tế hộ, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Với nhiều nỗ lực trong nhiệm kỳ IV, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở ngành, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ra nhiều quyết sách quan trọng, tác động vào quá trình đổi mới KTTT, HTX.
Nổi bật trong đó là việc tham mưu ban hành Chỉ thị 18 đẩy mạnh phát triển HTX, Đề án củng cố đổi mới HTX nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Quyết định 3394 thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh... Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh còn đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, tư vấn xây dựng phương án và kế hoạch hoạt động, tạo sức bật thúc đẩy phát triển HTX kiểu mới.
Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã thành lập mới 173 HTX, tuân thủ theo đúng Luật HTX 2012, tuy ít thành viên nhưng mức vốn góp cao hơn trước. Bởi phần lớn các HTX này đã xây dựng phương án hoạt động khả thi, đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, nên nhiều HTX làm ăn hiệu quả, hộ thành viên không ngừng tăng... Đáng kể, hoạt động liên kết HTX với HTX, HTX với DN tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác làm ăn kinh tế.
Trong 5 kinh nghiệm của Liên minh HTX tỉnh nhiệm kỳ IV, đáng kể nhất là các HTX phải nỗ lực vươn lên chính mình, đồng thời, việc tư vấn hỗ trợ HTX phải bảo đảm đúng Luật HTX 2012, chú trọng tổng kết xây dựng và nhân rộng các HTX mới và điển hình. Đây là cơ sở để nhiệm kỳ V tới, Liên minh HTX tỉnh đổi mới tư vấn phát triển KTTT, HTX đa dạng, linh hoạt và phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm thành lập mới 100 THT và 30 HTX/năm…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự phát biểu tại đại hội
Rất cần đến “liều thuốc mạnh”
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự cho rằng Đại hội có ý nghĩa lịch sử bởi diễn ra đúng thời điểm đầu triển khai các nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trước những biến động khó lường khi đất nước hội nhập sâu TPP, AEC…, các HTX sẽ bị tác động to lớn và rất cần đến “liều thuốc mạnh” để vực dậy.
Chủ tịch Võ Kim Cự nhấn mạnh: “Phát triển HTX có vai trò rất quan trọng của các cấp ủy chính quyền và thuận lợi hơn khi cấp xã ra nghị quyết riêng về phát triển HTX tại địa bàn. Mong rằng từ Đại hội V này, Thanh Hóa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đổi mới phát triển KTTT, HTX là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ngành, gắn kết và thể hiện rõ vai trò HTX trong xây dựng nông thôn mới, nhằm mục tiêu đến 2020 có 100% các xã phường có HTX”.
Chủ tịch Võ Kim Cự đề nghị thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cần quyết liệt hơn trong tư vấn hỗ trợ HTX, đi sâu sát HTX, chủ động phối hợp ngang và dọc với các cấp ngành nhằm mục tiêu đổi mới, phát triển HTX, nhất là xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm HTX. Cụ thể, trong triển khai Kết luận 56 của Bộ Chính trị, thực thi Luật HTX 2012, Quyết định 2261, Chỉ thị 19…, Liên minh HTX tỉnh tư vấn HTX hoạt động theo phương châm “ba đồng” (sản phẩm, công nghệ, giống) và “hai vừa” (phân tán và tập trung), giải quyết kịp thời nhu cầu HTX về vốn, đất đai, đào tạo cán bộ…
Lưu Đoàn