Nắm rõ những khó khăn của một xã thuần nông, Hùng Mỹ đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
HTX, THT là cầu nối trong sản xuất
Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của xã là chú trọng phát triển các mô hình tổ hợp tác (THT), HTX làm điểm tựa để hoàn thành các tiêu chí được đánh giá là “khó nhằn” trong xây dựng nông thôn mới như vệ sinh môi trường, hình thức tổ chức sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
THT mây tre đan xã Hùng Mỹ với 11 thành viên là hội viên phụ nữ là một trong những mô hình hoạt động tiêu biểu trên địa bàn xã. Hiện nay, THT cung cấp ra thị trường các sản phẩm như nón lá, quạt, túi xách... Mỗi sản phẩm có giá bán từ 80.000 - 200.000 đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước. Hoạt động này mang lại cho thành viên thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Ma Thị Diễn, thành viên THT, cho biết trước đây chị thường làm các sản phẩm nón lá, làn mây, mẹt, sàng... nhưng chỉ để sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, khi tham gia THT, chị được hỗ trợ trong sản xuất nên thu nhập được nâng lên.
Theo đánh giá của UBND xã, THT mây tre đan xã Hùng Mỹ đi vào hoạt động giúp khôi phục, phát triển nghề truyền thống của địa phương. Xã đang khuyến khích các hộ thành viên, nhân dân tự tìm tòi và sản xuất những mặt hàng mới, đồng thời hỗ trợ vay vốn, hoàn thành giấy phép kinh doanh và tìm kiếm thị trường…
Không chỉ tập trung phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, xã Hùng Mỹ còn tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó không ít hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trâu, bò vỗ béo theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời giải quyết những khó khăn trong bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi trâu bò vỗ béo của HTX Thành Công không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường. |
Xã có khoảng 1.800 con trâu và gần 500 con bò, trong đó HTX nông lâm nghiệp Thành Công là đơn vị tiêu biểu đứng ra hỗ trợ người dân chăn nuôi và liên kết với doanh nghiệp để mở rộng đầu ra. Việc liên kết chuỗi giữa người dân-HTX-doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức hợp đồng thỏa thuận. HTX kết hợp với doanh nghiệp hướng dẫn người dân tận dụng nguồn thức ăn có sẵn của địa phương là ngọn mía và ngô làm thức ăn cho gia súc. Đàn trâu cũng được nhập từ Thái Lan và Lào có tầm vóc to lớn là điều kiện để cải tạo đàn trâu trên địa bàn xã.
Với quy trình chăn nuôi và hợp tác khoa học, các thành viên chính là người được hưởng lợi trong chuỗi giá trị. Theo tính toán, 1 con trâu nuôi vỗ béo theo đúng quy trình 3 tháng trọng lượng tăng từ 150 - 200kg, giá thu mua 72-80 nghìn đồng/kg. Trung bình sau 3 tháng, mỗi con trâu giúp người dân thu về khoảng 6 triệu đồng.
Trong quá trình sản xuất, HTX Thành Công còn nhận được sự hỗ trợ hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nhằm giúp thành viên có nhu cầu phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Theo Ban giám đốc, HTX đã thu hút được 30 thành viên. Định hướng trong thời gian tới, HTX sẽ xây dựng thương hiệu thịt trâu Hùng Mỹ trở thành sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao nhằm khẳng định thương hiệu và thúc đẩy nông thôn mới phát triển theo chiều sâu.
Rút ngắn tiến trình tới 8 năm
THT Hùng Mỹ và HTX Thành Công là những mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ hàng hóa tại địa phương.
Ngoài ra, xã còn phát triển mô hình trồng rừng bền vững. Đến cuối năm 2019, toàn xã có trên 1.000 ha rừng được giao khoán cho nhân dân bảo vệ. Xã còn tích cực liên kết với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người dân phát triển rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn bền vững FSC kết hợp với trồng dược liệu.
Việc phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật dựa vào thế mạnh của địa phương là phát triển tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, trồng rừng đã tạo thế “kiềng 3 chân” vững chắc giúp xã phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Trồng rừng kết hợp trồng dược liệu là một trong những định hướng phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở Hùng Mỹ. |
Trước đây, huyện xếp xã Hùng Mỹ nằm trong danh sách các xã phải về đích nông thôn mới trong năm 2030, nhưng đến nay, khoảng cách này đã được rút ngắn lại, mục tiêu đến năm 2022, xã Hùng Mỹ sẽ về đích nông thôn mới.
Đến nay, 88% số hộ có chuồng trại chăn nuôi gia súc đạt chuẩn, 100% hộ dân đã có nhà tiêu hợp vệ sinh đã được huyện công nhận đạt tiêu chí ODF. Tư duy sản xuất của người dân dần thay đổi theo hướng tích cực, từ đó giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% (năm 2017) xuống còn 15% vào cuối năm 2019.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất thông qua việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác, HTX, trong đó hỗ trợ các HTX liên kết với các HTX ngoài địa bàn và các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực hoạt động cũng như mở rộng quy mô phát triển.
Huyền Trang