Điển hình như HTX bưởi da xanh Bến Tre (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Hiện, HTX đã ký được hợp đồng với doanh nghiệp và chuẩn bị lên đơn hàng xuất khẩu vào dịp rằm Trung thu. Theo đó, hàng tuần HTX đều giao tối thiểu 1 container 40 feet với sản lượng trên 20 tấn cho khách hàng. Ngoài ra, HTX vẫn duy trì các đơn hàng trong nước và tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác, nâng cao kỹ năng cho thành viên…
Duy trì xuất khẩu
Bà La Thị Nga, Giám đốc kinh doanh HTX Bến Tre, cho biết thực sự HTX đã gặp những khó khăn nhất định từ mùa đông năm ngoái và bị lỡ nhiều đơn hàng cả trong nước và xuất khẩu. Những khó khăn của HTX cũng là điểm chung mà nhiều HTX gặp phải trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Tuy nhiên, các thành viên vẫn quyết tâm phục hồi, phát triển với niềm tin vào thời gian tới tiếp tục có những trái bưởi ngon nhất phục vụ thị trường xuất khẩu và nội địa.
Còn tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây (Yên Bái), tuy thành lập chưa lâu nhưng nhờ liên kết với các doanh nghiệp, HTX vẫn duy trì được các mối hàng xuất khẩu các sản phẩm từ quế sang Ấn Độ, Nhật, Mỹ. Mới đây, HTX cũng đã có 1 container sản phẩm chế biến từ vỏ quế xuât khẩu sau bao ngày tìm kiếm đơn hàng, hoàn thiện quy trình để bảo đảm chất lượng và số lượng.
Trong khi đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (Long An) tuy chưa chính thức xuất khẩu nhưng giữa tháng 6 vừa qua, HTX cũng đã ký kết đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh không hạt với một doanh nghiệp để sắp tới xuất khẩu sang một số thị trường thuộc châu Á, châu Âu trong thời gian 10 năm. Việc ký kết hợp đồng này không chỉ giúp quả chanh không hạt có đầu ra thuận lợi mà còn giúp thành viên có lãi ít nhất 20% sau khi trừ các khoản chi phí.
HTX Cầu Mây vẫn xuất khẩu được sản phẩm từ quế trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu. |
Có thể nói, việc ký kết được các hợp đồng, tìm kiếm được các hợp đồng để xuất khẩu phần nào cho thấy được tương lai cũng như thực trạng của các HTX sản xuất và xuất khẩu thời điểm này. Trong điều kiện kinh doanh nhiều khó khăn, ảm đạm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm số lượng lao động, thậm chí phải đóng cửa thì việc những HTX này vẫn có đơn hàng, thậm chí hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn năm ngoái cho thấy bước đi vững chắc của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong việc thích ứng trước sự thay đổi của nền kinh tế, thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, do các HTX này đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất một số mặt hàng thiết yếu nên được thị trường ưa chuộng và dễ tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu hơn so với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động ở một số lĩnh vực khác như da giày, gỗ… Điều này có lẽ chỉ đúng một phần. Bởi theo ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, nông sản mà HTX này đang tập trung sản xuất là quả chanh không hạt. Đây cũng chỉ được đánh giá là sản phẩm phụ, thêm vào trong bữa ăn hàng ngày. Nếu xét ra trong điều kiện suy thoái kinh tế, nhiều người sẽ cắt giảm chi tiêu và chắc chắn sẽ cắt giảm việc mua chanh để tập trung vào mua gạo, rau…
Bên cạnh đó, các ngành hàng khác như da dày, may mặc, gỗ… gặp khó khăn trong sản xuất, tìm đầu ra thì các HTX sản xuất nông sản cũng trong cảnh tương tự. Chi phí các mặt hàng như: phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp khác tăng cao so với trước đó. Còn về đầu ra, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục gặp nhiều biến động, tình trạng nhiều loại nông sản bị ùn ứ, rớt giá vào mùa thu hoạch liên tiếp xảy ra.
Có chiến lược rõ ràng
Chính vì vậy, việc các HTX tìm kiếm được các đơn hàng phục vụ xuất khẩu không chỉ cho thấy sự cố gắng mà còn thể hiện cả một quá trình, một chiến lược bài bản để tìm kiếm khách hàng, không bỏ qua các cơ hội, từ đó giúp các HTX đi lên trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu.
Như trường hợp HTX bưởi da xanh Bến Tre, để có được các đơn hàng xuất khẩu, ngay từ khi bắt tay vào thành lập, HTX đã xác định phát triển theo hướng bền vững và trên quy mô lớn. Hiện, HTX đang liên kết với 500 nhà vườn sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ EU… để đảm bảo đơn hàng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với doanh nghiệp, đầu tư nhà máy sơ chế, đóng gói để có chất lượng an toàn. Nhờ vậy mà quả bưởi da xanh của HTX không chỉ đẹp về mẫu mà còn đảm bảo về chất lượng, từ đó thu hút các doanh nghiệp liên kết xuất khẩu.
“Việc tham gia hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng rất quan trọng đối với HTX, giúp tiếp cận được với các khách hàng mới mà từ trước tới giờ chưa có và giúp thành viên hoàn thiện kỹ năng xúc tiến thương mại, marketing…”, bà La Thị Nga chia sẻ.
Tương tự như HTX bưởi da xanh Bến Tre, nhiều HTX khác cũng đã xác định sản xuất theo hướng xanh hóa, bền vững ngay từ đầu nên giữ vững, mở rộng được tệp khách hàng phục vụ xuất khẩu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang) Nguyễn Thị Minh Thùy cho biết, điều khiến những đơn vị ký hợp đồng xuất khẩu với HTX chính là do HTX luôn chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái quá trình sản xuất. HTX cũng luôn cố gắng tốt nhất để tạo ra sản phẩm thơm ngon, an toàn, đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. HTX duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát sản xuất, áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc điện tử để hỗ trợ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đóng gói đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính vì vậy mà khi có cơ hội ký kết hợp đồng tiêu thụ, HTX không bị lỡ hay vuột mất cơ hội.
Theo các chuyên gia, mỗi HTX sẽ có những cách khác nhau để duy trì và tìm kiếm khách hàng mới nhưng có một điều dễ nhận thấy nhất chính là các thành viên HTX này đã đổi mới tư duy, đưa sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững mà nhiều thị trường khó tính đang hướng tới.
Hầu hết các thị trường trên thế giới hiện nay đều chú trọng đến chất lượng sản phẩm, yêu cầu quá trình sản xuất và trong sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là áp dụng các quy chuẩn sản xuất nông sản sạch theo tiêu chí cụ thể. Nếu những HTX nào làm tốt được điều này sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế.
Hơn nữa, hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm, mở rộng thị trường gắn liền với phát triển hàng hóa mà thị trường yêu cầu. Chính vì vậy, HTX nào chủ động trong việc tham gia hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng và thời điểm cung cấp cụ thể sẽ nhanh chóng tiếp cận được khách hàng và đi đến ký hợp đồng xuất khẩu.
Giám đốc HTX Huy Hoàng (Quảng Ninh) Nguyễn Lê Huy Hoàng cho biết, mới đây, HTX tham gia Diễn đàn Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) được tổ chức tại Hà Nội. Qua đó, các thành viên nhận thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam trong năm 2022 đạt trên 3,2 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với 175 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước.
Chính vì vậy, để tăng cường hợp tác thương mại, xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của các HTX sang địa phương này, việc tham gia các hội chợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sẽ giúp các HTX hoàn thiện khâu truyền thông và thúc đẩy đầu ra. “Việc tham gia hội chợ và cho khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm được coi là hình thức marketing hiệu quả hơn so với việc gửi hàng mẫu cho đối tác kiểm tra đơn thuần”, ông Lê Huy Hoàng chia sẻ.
Huyền Trang