Hiện nay, trên thị trường chỉ có số lượng ngành hàng nhất định nhưng rất nhiều thương hiệu cùng xuất hiện. Điều này dẫn tới việc nhiều HTX, nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng nên rất khó để khách hàng có thể phân biệt các sản phẩm đó với nhau nếu không có dấu ấn về bao bì để nhận diện thương hiệu của từng HTX.
Lực cản phát triển với nông sản
Ông Ngô Trung Trực, Giám đốc HTX Thiên Phú (Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay không chỉ HTX này, mà trên cả nước có rất nhiều HTX, doanh nghiệp cùng sản xuất nước mắm. Tuy hình thức, quy trình và chất lượng, độ đạm trong nước mắm của mỗi đơn vị có khác nhau nhưng nếu không có sự nhận diện về mẫu mã, bao bì thì khách hàng không thể biết được đâu là nước mắm của HTX nếu chỉ dựa vào màu sắc, mùi vị của sản phẩm.
Chính vì vậy, HTX đã phải đầu tư bao bì, logo, nhãn mác để tạo tiền đề thuận lợi đưa sản phẩm Nước mắm Lạch Kèn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và tăng khả năng nhận diện trên thị trường.
Việc HTX Thiên Phú có sự đầu tư về bao bì phần nào là nhờ mối hợp tác với doanh nghiệp thiết kế. Nhưng với nhiều HTX hiện nay, bao bì vẫn là bài toán nan giải vì còn đơn điệu, chưa thu hút khách hàng dù xét riêng về chất lượng nông sản, nhiều HTX đã tạo được uy tín trên thị trường.
Một ví dụ được các chuyên gia đưa ra đó là bánh mì Việt Nam được nhiều khách nước ngoài đánh giá là ngon hơn, không bị dai và cứng như bánh mì ở nhiều nước. Nhưng hiện, bánh mì Việt chỉ được đóng vào túi giấy hoặc túi nilon đơn thuần, trong khi một số nước khác lại có sự thu hút khách hàng ở mảng thiết kế bao bì.
Cụ thể là bánh mì vốn hình dáng ục ịch, màu sắc đơn điệu nhưng nhiều nhãn hàng ở Anh thiết kế bao bì dạng “eo thon”, giúp khách hàng dễ chấp nhận sản phẩm hơn và đánh lừa thị giác người tiêu dùng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực (Cà Mau), cho biết mẫu mã có vai trò rất quan trọng giúp mọi người nhận biết và ưu tiên lựa chọn sản phẩm. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều HTX bán số lượng lớn nông sản, thực phẩm nhưng chưa để ý hoặc chưa có nguồn ngân sách nhất định cho bao bì. Hoặc có những HTX đã đầu tư bao bì nhưng vẫn còn đơn giản, thậm chí chỉ sử dụng túi nilon, bao tải thông thường.
“Đây là một sự lãng phí đối với các sản phẩm nông sản, nhất là những HTX sản xuất nông đặc sản của các địa phương và cũng là lực cản khiến sản phẩm khó có thể tiếp cận với các doanh nghiệp và các siêu thị, thậm chí là đi ra nước ngoài”, ông Mưa nói.
HTX Hùng Lô (Phú Thọ) đầu tư bao bì cho sản phẩm mì gạo. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc một doanh nghiệp nông sản ở Nghệ An, cho biết trong một lần đi hội chợ xúc tiến thương mại, ông có tiếp cận với một sản phẩm trà túi lọc làm từ cây thìa dây. Trên bao bì, nhà sản xuất có ghi “Hoàn toàn không có tác dụng phụ”.
Theo ông Thanh, điều này là không nên và cần xem xét lại vì thực tế mỗi sản phẩm trà túi lọc chỉ có 4g, khi dùng một túi/lần có thể không có tác dụng phụ nhưng trên thực tế nếu uống nhiều, từ 100g thì vẫn có thể gây ra tác dụng phụ. Chính vì vậy, việc ghi “Hoàn toàn không có tác dụng phụ” trên bao bì thực chất lại đang gây hại cho chính đơn vị sản xuất, nhất là khi đưa sản phẩm đi tiếp cận với những khách hàng có độ am hiểu nhất về sản phẩm, bao bì…
Bao bì phải phù hợp với sản phẩm
Hiện nay, đa số các HTX sản xuất nông sản, thực phẩm để cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để tăng giá trị cho nông sản, thực phẩm, nhất định HTX phải quan tâm đến bao bì, mẫu mã cho sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, HTX cần hiểu được thực phẩm là gì.
Thực chất, thực phẩm dù có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng đó chính là đồ ăn, thức uống cho người, chủ yếu là chế biến từ nông sản. Đó có thể là nông sản đã chế biến và cũng có thể là nông sản tươi sống. Nhưng điểm khác giữa nông sản chế biến và chưa chế biến chính là nông sản chưa chế biến thì vẫn còn “tươi và sống”, tức là vẫn còn "hô hấp" và nông sản, thực phẩm đã chế biến thì "không hô hấp".
Vì nông sản, thực phẩm tươi sống khi thu hoạch đã cắt đứt một phần nguồn sống (cắt lìa khỏi cây, cành, nhỏ khỏ đất…) nên quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, những nông sản, thực phẩm này còn chịu tác động của môi trường nên có thể nhanh bị nhiễm các mầm bệnh, nhanh hư hỏng. Còn nông sản đã qua chế biến thì đã mất sức sống, ít biến đổi vật lý, hóa học nhưng vẫn có thể bị vi khuẩn xâm nhập trong khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển… Thậm chí có sản phẩm được xử lý qua nhiệt nhưng vẫn chứa mầm bệnh gây hại cho người sử dụng.
Nhìn vào điều này để thấy, để thiết kế được bao bì đúng và hiệu quả, HTX cần căn cứ vào đặc điểm của từng loại nông sản mà mình đang sản xuất để có hướng đầu tư, thiết kế phù hợp.
Chẳng hạn như bao bì cho thực phẩm tươi sống phải đảm bảo thoáng khí, cho thực phẩm “hô hấp” thì mới không bị thối, vàng... Còn bao bì cho sản phẩm đã qua chế biến phải đảm bảo ngăn cản tuyệt đối sự tiếp xúc với môi trường thì sản phẩm mới không bị hỏng, không bị vi sinh vật có hại xâm nhập…
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giảng viên Học viện nông nghiệp Việt Nam, cho biết để thiết kế bao bì hiệu quả, HTX, doanh nghiệp cần xem khách hàng của mình là ai để chọn kiểu bao bì tương ứng, phù hợp, tạo dấu ấn và thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng.
Chẳng hạn như HTX sản xuất sữa tắm từ thảo dược cho trẻ em thì từ màu sắc đến hình ảnh bao bì phải ngộ nghĩnh, đáng yêu, trẻ trung. Còn sản phẩm phục vụ người trung tuổi, cao niên thì màu sắc, hình ảnh, kiểu chữ trên bao bì cần nhã nhặn, đơn sắc, dễ đọc để đánh đúng vào tâm lý, thị hiếu của người dùng.
Đặc biệt, trong thời đại phát triển như hiện nay, người tiêu dùng luôn hướng đến sự tiện dụng nên thiết kế bao bì cũng cần hướng đến điều này. Đã có nhãn hàng không chỉ dừng ở việc gói bơ vào trong giấy bạc mà đã cho bơ vào những hộp thiếc và nắp hộp có hình con dao, người dùng có thể lấy nắp hộp để phết luôn bơ, rất thuận tiện. Hay có đơn vị đã đóng dầu ô liu vào trong các túi rất nhỏ, đủ một bữa ăn thay vì các chai lớn vừa để tiện cho sử dụng, vừa để bảo đảm sức khỏe, tránh sử dụng vượt mức.
Theo các chuyên gia, đối với sản phẩm cao cấp, các đơn vị sản xuất hiện nay luôn ưu tiên sử dụng bao bì bằng thủy tinh, kín khí để sản phẩm bên trong không bị oxy hóa, thủy phân, ảnh hưởng đến chất lượng. Còn bao bì làm bằng chất dẻo có thể tiện ích, dễ vận chuyển, chi phí đầu tư thấp hơn. Chính vì vậy, tùy vào điều kiện cụ thể của sản phẩm, khách hàng mà HTX muốn hướng tới, hay HTX muốn hướng đến sự thuận tiện, tiện ích thì có cách lựa chọn chất liệu bao bì phù hợp.
Huyền Trang