Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực tạo dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên và cho thấy đây đã và đang trở thành hướng đi đúng đắn trong giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Làm giàu cho bản thân, thúc đẩy kinh tế của địa phương
Tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, 7 thanh niên là đồng bào dân tộc Tày và Nùng đã cùng nhau thành lập HTX nông lâm nghiệp Thế Tuấn chuyên sản xuất tinh dầu sả đỏ, màng tang, đài bi và các sản phẩm liên quan như nước súc miệng, nước tắm...
Hướng đi này được đến từ việc địa phương có sẵn diện tích cây dược liệu rộng lớn hàng chục ha với khả năng tái sinh bằng hạt và rễ rất tốt nên nhân giống cực kỳ nhanh. Hơn nữa, trồng dược liệu chế biến nguồn chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn trong khi lực lượng thanh niên và người lao động tại địa phương khá dồi dào nên có thể hỗ trợ nhau sản xuất.
Hiện, dược liệu được các thành viên HTX trồng theo phương pháp hữu cơ. Các thành viên cũng liên kết với một dự án để học hỏi kinh nghiệm, nhận sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, máy móc. Đến nay, các thành viên đã chế biến được các sản phẩm đa dạng như trà túi lọc, bột tam thất và kẹo, gel rửa mặt. Mô hình này của HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho thanh niên, người dân vùng cao, tạo việc làm cho từ 8-10 lao động thường xuyên và hơn 1.000 lao động thời vụ.
Anh An Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết nhờ việc lấy thanh niên nông thôn làm chủ thể, HTX đã khơi dậy và phát huy sức mạnh nội tại của bản thân họ, biến sức mạnh ấy thành động lực tạo ra giá trị cho các sản phẩm đặc hữu, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Còn nhớ, Lào Cai đã triển khai kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, các HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Lào Cai không chỉ được tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi, mà còn tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ giới thiệu đối tác, hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư, HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh thông qua các đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận thị trường; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Lào Cai với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Chính vì vậy mà nhiều HTX thanh niên khởi nghiệp ở Lào Cai có thêm cơ hội phát triển.
Không chỉ ở Lào Cai, nhiều địa phương khác cũng đang cho thấy sự hiệu quả của việc thanh niên khởi nghiệp sáng tạo trên quê hương. Như tại Yên Bái, HTX Thanh niên Q&C (thôn 8 xã Đại Phác, huyện Văn Yên) được hình thành từ ý tưởng khởi nghiệp của anh Phạm Văn Cường và Trần Văn Quân.
Dù mỗi người xuất thân từ những ngành nghề khác nhau như làm nghề sửa xe, cơ khí… nhưng có chung ý tưởng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn để cung ứng ra thị trường. Hiện, HTX tập trung sản xuất các loại củ, quả cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, cho khách hàng cá nhân, một số trường học và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thị trấn Mậu A. Doanh thu hàng năm của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 3,6 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, Yên Bái đã có một bước tiến mới trong khởi nghiệp sáng tạo từ thanh niên khi có 297 tổ hợp tác, 35 HTX do thanh niên làm nòng cốt, 28 doanh nghiệp trẻ được thành lập, đi vào hoạt động với hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, với Đề án hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, nhiều HTX do thanh niên làm chủ đã tạo ra một "làn sóng” về sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh theo chuỗi.
Còn tại Thái Nguyên, đến nay có trên 50 HTX do thanh niên làm chủ và phần lớn nằm ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động của các HTX này không chỉ giúp thanh niên làm giàu ngay tại quê hương mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động là người địa phương.
HTX là mảnh đất màu mỡ
Có thể thấy khởi nghiệp tại quê hương đang là lựa chọn và hướng đi hiệu quả cho nhiều thành niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, bên cạnh mô hình doanh nghiệp, nhiều thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã lựa chọn hình thức kinh tế tập thể, HTX là nơi lập thân lập nghiệp, gửi gắm những ý tưởng sản xuất kinh doanh bền vững.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số lựa chọn HTX, tổ hợp tác làm điểm khởi nghiệp chính là một lợi thế khi tận dụng được nguồn lao động sẵn có tại địa phương, họ có sự am hiểu nhất định về đặc điểm tự nhiên, nguồn gốc của các cây-con nên thuận tiện cho phát việc sản xuất, kinh doanh những nông sản bản địa. Đây cũng là lợi thế để các HTX có thể tiếp cận khoa học - công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nhiều HTX, tổ HTX thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ làm tốt khâu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phân phối sản phẩm mà còn đi đầu trong ứng dụng công nghệ khi xây dựng website, thành lập các kênh bán hàng, sử dụng các phần mềm kế toán, đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu.
Trồng và chế biến hoa đu đủ đực tại HTX Tuổi trẻ 26/3 đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Sơn La. |
Đặc biệt, có HTX đã xây dựng được hệ thống bán hàng trực tuyến, marketing, quảng cáo thương hiệu. Chính những điều này giúp mở ra cơ hội cho các HTX tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách tích tụ đất đai, chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại địa phương và Trung ương.
Các mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng, giúp người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá (Thái Nguyên) đang tạo việc làm cho 30 lao động nhờ phát triển mô hình trồng rau, nuôi ong, trồng chè. HTX thanh niên Như Cố Bắc Kạn đang tạo việc làm cho hàng chục thanh niên nhờ phát triển chuỗi nông sản an toàn. HTX Tuổi trẻ 26/3 (Sơn La) đang tạo việc làm và thu nhập ổn định có 5 thành viên và hàng chục lao động từ mô hình trồng rau, hoa đu đủ đực và chế biến nông sản…
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
Có thể thấy, hỗ trợ và giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được coi là hướng đi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sinh kế cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn.
Tuy nhiên, kết quả hiện nay vẫn chưa như mong đợi. Thông tin tại tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên Dân tộc thiểu số” diễn ra ngày 23/6 cho thấy, đến nay mới có 14% lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, tỷ lệ còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Đi liền với đó là đại đa số thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều chưa trải qua đào tạo nghề nên năng lực, tay nghề còn yếu kém. Nhiều thanh niên khởi nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn, thiếu kỹ năng kinh doanh, quản lý, tiêu thụ sản phẩm.
Chị Lý Thị Hằng, Tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm tỉnh Hòa Bình, cho biết chị và các thành viên trong tổ hợp tác đều mong muốn được hỗ trợ về tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, cách bán hàng hoặc hỗ trợ đào tạo để có thể làm được nhiều nghề tại địa phương.
Chiến lược phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021-2023 xác định, tỷ lệ lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động đạt ít nhất từ 25-40%, trong đó tỷ lệ lao động nữ đạt 50%.
Để hoàn thiện được mục tiêu này, ông Đào Trọng Bộ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, chương trình quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có dự án đào tạo nghề được quan tâm tương đối lớn. Trong đó có hỗ trợ các cơ sở đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên đã được dành phần lớn kinh phí để đào tạo.
Từ đây, các chính sách đào tạo gắn với tạo việc làm tại chỗ, khởi nghiệp để tạo việc làm, giảm đói nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm nhằm phát triển liên kết để đa dạng các nguồn lực đầu tư. Trong đó ưu tiên các nguồn lực của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả trong tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào và thanh niên vùng dân tộc thiểu số.
Minh Nhương