Sau các kiến nghị từ phía HTX, đơn vị kinh doanh vận tải, Chính phủ đã quyết định lùi thời hạn thực hiện phạt hành chính đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, theo Nghị định số 10/2020/NĐ-Trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện. Hơn nữa, khi tham gia giao thông, các xe này sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt (mức phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định).
HTX như đứng trước... "vực thẳm"
Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết hạn các phương tiện thuộc diện trên phải hoàn thành lắp đặt camera để lưu trữ hình ảnh, truyền dữ liệu hình ảnh cho cơ quan quản lý vận tải. Thế nhưng áp lực về thời gian liệu có thay đổi được những khó khăn mà các HTX đang gặp phải?
HTX vận tải Chùa Hang (Thái Nguyên) đang có khoảng 100 xe khách, ngoài ra còn có hàng chục xe taxi, xe tải, xe buýt. Từ năm 2020 về trước, HTX hoạt động rất hiệu quả, dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến xe của HTX hầu như chỉ nằm một chỗ. Theo quy định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, HTX phải bỏ tiền triệu để lắp mỗi chiếc camera là cả một vấn đề trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Giám đốc HTX vận tải Chùa Hang, cho biết hiện nay giá lắp một camera không còn ở mức 5-6 triệu đồng/chiếc mà đã lên đến 7-9 triệu đồng/chiếc. Lắp xong hàng tháng còn phải trả tiền thuê bao đường truyền, tiền sim 4G mà với lượng xe hiện tại, HTX phải đầu tư tiền tỷ mới làm được đồng bộ. Trong khi, lượng xe hoạt động của HTX hiện nay chỉ khoảng 30%.
Dịch Covid-19 khiến hoạt động vận tải ảm đạm. |
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi có hoạt động cũng chỉ cầm chừng để giữ khách hàng chứ chưa nói đến doanh thu. Thực sự HTX đang đứng bên bờ vực thẳm vì khó chồng khó nên dù thời hạn phải lắp camera sắp đến nhưng HTX cũng khó mà thực hiện được”, ông Đỗ Xuân Thắng nói.
Cùng tâm trạng lo lắng, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc HTX ô tô Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, dịch bệnh, giá xăng tăng đã tác động mạnh đến chi phí vận tải khiến HTX càng thêm khó khăn.
“HTX vận tải vừa lao đao vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao. Nếu phải bỏ tiền ra lắp camera nữa thì có lẽ phải bán bớt xe đi. Thậm chí muốn bán xe giờ cũng chẳng ai mua”, ông Trung cho biết.
Rõ ràng, các HTX vận tải đang bị kìm kẹp giữa dịch Covid-19; giá nhiên liệu xăng, dầu tăng phi mã và thời hạn lắp camera sắp hết. Đó là chưa tính đến áp lực trả lãi và nợ ngân hàng của không ít HTX. Một số HTX cũng chỉ biết “cắn răng” duy trì hoạt động vì dù đã được hoạt động trở lại nhưng lượng khách vẫn chưa thể như thời gian trước.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX vận tải. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu bình quân của các HTX đang hoạt động trong lĩnh vực này cũng giảm tới 70-90% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đó, việc bảo đảm đời sống cho thành viên đã khó, việc đầu tư thêm chi phí để lắp camera theo quy định của ngành chức năng càng khó hơn dù thời gian theo quy định không còn nhiều.
HTX cần có thời gian hồi phục
Theo các chuyên gia, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời nhằm giám sát, ngăn ngừa những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, hạn chế số vụ tai nạn, tình trạng chèn ép và hành hung hành khách... Mục tiêu cuối cùng của Nghị định này là giúp các chủ xe là các doanh nghiệp, HTX và cả lái xe cũng như hành khách chấp hành nghiêm luật giao thông để số vụ tai nạn được kéo giảm xuống mức thấp nhất.
Thực tế là ngay cả khi chưa ban hành quy định trên, đã có HTX kinh doanh vận tải đã tự trang bị camera giám sát hành trình để bảo đảm an toàn phương tiện và thuận tiện cho công tác quản lý của HTX.
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ vận tải Thắng Lợi (Bạc Liêu), đã lắp camera nhưng chủ yếu là ở xe buýt và xe khách còn lại xe container thì chưa được đầu tư do gặp khó về chi phí.
Việc đầu tư lắp đặt camera đối với HTX vận tải là rất khó khăn trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. |
“Chi phí lắp camera rất lớn, mỗi camera khoảng 8 - 10 triệu đồng, kèm theo chi phí phục vụ truyền dẫn khoảng 150.000 đồng/xe/tháng nên HTX khó sắp xếp kinh phí để lắp đặt camera theo quy định trong thời điểm này”, bà Trương Thị Mỹ, Giám đốc HTX cho biết.
Những gì HTX Thắng Lợi đang gặp phải cũng chính là khó khăn của các HTX và các đơn vị vận tải hiện nay. Điều này khiến lượng xe lắp đặt camera theo quy định vẫn rất khiêm tốn.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù đã có nhiều văn bản yêu cầu sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, số lượng phương tiện đã lắp camera chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số phương tiện phải lắp camera theo Nghị định 10.
Đến hết ngày 11/11 mới có hơn 25.000 trên tổng số hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải cần lắp đặt camera, chỉ đạt tỷ lệ hơn 12%.
Thực tế cho thấy, chi phí là vấn đề khó khăn đối với các HTX vận tải lúc này. Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào mới chấm dứt. Việc này đã làm chậm quá trình lắp đặt camera của các HTX nói chung và các đơn vị vận tải nói riêng.
Theo các chuyên gia, việc khơi thông những khó khăn trong hoạt động vận tải được coi là tiền đề để khôi phục và phát triển nền kinh tế. Trong khi đó, hầu hết các HTX đã đầu tư kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS. Đây là công cụ hiện đại, thuận tiện cho việc quản lý, giám sát hoạt động của các xe. Vậy việc yêu cầu lắp đặt thêm camera liệu có là đòi hỏi quá cao so với nguồn lực thực tiễn của các HTX trong thời điểm hiện tại?
Chính vì vậy, trước mắt việc xem xét giãn thời gian lắp đặt camera là điều vô cùng cần thiết để giảm gánh nặng cho các HTX vận tải. Và thời gian lùi đến khi nào? Tất nhiên, câu trả lời không quá khó đối với các ngành chức năng, đó là đến khi hoạt động vận tải trở lại bình thường. Và trong lúc này, Nhà nước cũng sẽ có thêm thời gian để hoàn thiện các quy chuẩn về yêu cầu camera và cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu hình ảnh… Bởi đây vẫn là những vướng mắc mà các HTX và các chuyên gia đang đặt ra.
Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị, ông cho rằng, các đơn vị vận tải cần có thời gian để hồi phục sản xuất, và để làm được điều này, thời gian cần tính bằng năm chứ không thể bằng tháng như hiện nay.
Huyền Trang