Dịch Covid-19 đã khiến không ít HTX phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nguy cơ giải thể, từ đó ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của thành viên và hộ dân liên kết.
Thủ tục phức tạp
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, trong đó có đối tượng được hưởng thụ là HTX như: Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP hay Thông tư số 01/2020/TT-NHNN… Tuy nhiên, việc thực thi chính sách còn nhiều vấn đề cần bàn.
Ông Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art (Hà Nội), cho biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành được một thời gian nhưng đến nay HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các gói hỗ trợ.
Theo ông Cường, thủ tục pháp lý rườm rà là nguyên nhân chính khiến các HTX chưa thể tiếp cận được vốn. Nhiều HTX cũng giống như HTX Vụn Art là đăng ký kinh doanh ở một nơi, nhưng địa bàn sản xuất kinh doanh ở nơi khác nên địa phương không xác nhận thủ tục giấy tờ vì sợ trách nhiệm. “Chính vì vậy mà HTX không đáp ứng được điều kiện nhận hỗ trợ", ông Cường nói.
Ông Lý Văn Hòa, Giám đốc HTX giao thông vận tải Trường Thịnh (An Giang) cho biết để hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP, người lao động phải có hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm vay vốn. Điều này là rất khó, bởi người lao động tham gia HTX thì nhiều nhưng số người tham gia đóng bảo hiểm thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các HTX trồng thanh long đang mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để giải quyết những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. |
Thực tế cho thấy, để tiếp cận các gói vay, nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi, các HTX phải đáp ứng các điều kiện vay vốn, thủ tục từ phía ngân hàng, cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nhiều HTX không dễ để chứng minh được năng lực tài chính, chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh đến doanh thu, thu nhập… Trong khi hiện nay, hầu hết các HTX đều mong muốn tiếp cận các gói vay vốn với lãi suất thấp hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (Bình Thuận), cho biết khi chưa có dịch bệnh, mỗi năm HTX xuất khẩu từ 600 - 1.000 tấn trái thanh long đạt chuẩn GlobalGAP sang thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, Canada…
Tuy nhiên, dịch bệnh khiến chi phí vận chuyển tăng nên ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu và lợi nhuận. Chính vì vậy, HTX mong muốn tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi dành cho nông nghiệp, nông thôn hoặc các gói hỗ trợ tín dụng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, để giảm bớt khó khăn, HTX vẫn đang phải vay vốn ngân hàng theo hình thức thế chấp tài sản cá nhân với lãi suất thị trường và chưa dễ tiếp cận được các gói vay ưu đãi hay nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.
Nhiều HTX hiện đang hoạt động, phục hồi trở lại trong giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá nguyên liệu, cước vận tải tăng cao… đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều HTX. Do đó, rất cần các chương trình, gói vay vốn phù hợp, đơn giản hóa các thủ tục để các HTX có thể tiếp cận nhanh chóng trong giai đoạn này.
Chính sách cần phù hợp đặc thù của HTX
Có thể thấy, các gói hỗ trợ tín dụng, gói vay ưu đãi dành cho HTX chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 về mặt chủ trương là hợp lý, cần thiết, nhất là khi diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX gặp khó khăn hoặc bị ảnh hưởng nặng nề từ chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại luôn phải tính toán để dự phòng rủi ro, có phương án kết nối hỗ trợ phù hợp, đảm bảo dòng tiền cho vay. Điều này khiến các HTX muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hay các phương án hỗ trợ tín dụng từ phía các ngân hàng từ trước đến nay vẫn là chuyện không dễ dàng, nhất là ở các tiêu chí, điều kiện để vay vốn.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho biết, việc tiếp cận vốn vay gặp nhiều khó khăn do HTX còn nhỏ lẻ, thiếu tài sản bảo đảm chung, hoặc có tài sản là đất đai nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Một số HTX lại thiếu chứng từ thanh toán, kiểm toán nên phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tâm lý của các thành viên.
Thực tiễn ghi nhận, HTX là một trong những mô hình kinh tế chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19, đặc biệt là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch…, nhất là các HTX hoạt động tại địa bàn khó khăn.
Là nhóm yếu thế đang chịu thiệt thòi do khó khăn về nguồn lực, vốn huy động chủ yếu là từ các thành viên, trình độ quản lý có hạn nên các HTX thường không thể nắm bắt kịp thời chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để từ đó tận dụng các cơ hội nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến khi nắm bắt được các chính sách thì quy trình, thủ tục phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước. Trong khi các ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại khi cho vay vì lo các HTX không có khả năng trả nợ.
Theo số liệu khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, đến nay chỉ mới có khoảng 10% các HTX được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Còn thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, đến nay mới có 5.300 HTX được tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất… trong khi số lượng HTX là 28.132 HTX.
Chính vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và quá trình thực thi sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp các HTX vượt qua được khó khăn và thích ứng linh hoạt trong bối cảnh hậu Covid-19.
Ông Nguyễn Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ cho biết các ngành chức năng cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế tập thể có những đặc thù nhất định nên khi thiết kế các chính sách hỗ trợ cần phù hợp với các HTX ở từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn.
Đặc biệt, các HTX là mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa, nên khả năng chống chịu kém. Chính vì vậy cần kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để HTX khắc phục khó khăn, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch phù hợp với khả năng tiếp nhận thông tin của các HTX. Đồng thời, cần giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là thủ tục chứng minh về tài chính”, ông Phương nhấn mạnh.
Huyền Trang