Theo tính toán, nếu sử dụng thức ăn chăn nuôi tự phối trộn sẽ giúp người dân, HTX tiết kiệm chi phí không hề nhỏ. Ước tính của các ngành chức năng cho thấy, chi phí thức ăn đang chiếm 70-80% chi phí chăn nuôi. Nếu tự phối trộn để thay thế thức ăn công nghiệp, người dân, HTX chăn nuôi có thể tiết kiệm 10-20% chi phí thức ăn cho vật nuôi.
Nhiều bất cập
Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (Sơn La), cho biết sử dụng thức ăn chăn nuôi tự phối trộn giúp HTX giảm trung bình 270.000 đồng chi phí thức ăn cho mỗi con lợn sau 4 tháng nuôi.
Trong điều kiện như hiện nay, có thể thấy, việc các HTX, nông dân tự phối trộn thức ăn chăn nuôi được cho là cách hay để giảm chi phí trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Nhiều HTX cho biết, hiệu quả khi áp dụng phương thức này tuy đã rõ nhưng bất cập cũng không ít. Ông Đinh Văn Tiệp, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Thịnh (Thái Bình), cho biết trong quá trình phối trộn, tự sản xuất thức ăn không chỉ cần các nguyên liệu thô cơ bản như ngô, bèo, chuối, cỏ… tự trồng được mà còn cần các khoáng chất, vitamin khác mà người dân, HTX không tự có mà phải bỏ tiền ra mua.
“Nếu thiếu các khoáng chất, vi lượng, vitamin… thì chất lượng thức ăn chăn nuôi phối trộn không thực sự cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của gia súc, gia cầm và chất lượng thịt, trứng của vật nuôi, từ đó tác động đến giá thành khi xuất chuồng”, ông Tiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông sản xanh Sáng Nhung (Tuyên Quang), cho biết trong quá trình phối trộn thức ăn, nếu không quan tâm đến kỹ thuật, tỷ lệ các chất, độ ẩm, bảo quản… thì khó có thể kiểm soát nguyên liệu đầu vào. Điều này không giúp chi phí thức ăn chăn nuôi không giảm mà lại tăng cao hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp.
Hình thành các HTX chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ gỡ khó được nhiều vấn đề về đầu vào cho ngành chăn nuôi. |
Trong khi người dân, thành viên HTX hiện nay đa phần là sản xuất theo kinh nghiệm, tự tìm hiểu cách phối trộn thức ăn theo thông tin trên mạng, truyền miệng nên chưa có công thức nhất định và phù hợp. Khi áp dụng không hiệu quả, nhiều nông dân, HTX đã quay lại cách chăn nuôi cũ là sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc chỉ sử dụng một phần thức ăn phối trộn.
Ngoài ra, để phối trộn thức ăn chăn nuôi đòi hỏi người dân, HTX phải đầu tư về công nghệ, máy móc tương ứng và phải có nguồn nguyên liệu đủ lớn. Nhưng thực tế rất ít HTX làm được điều này.
Theo khảo sát trên thị trường, giá các loại máy phối trộn thức ăn chăn nuôi có nhiều mức khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu tự sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các trang trại, HTX cần phải có dây chuyền máy móc từ máy trộn, máy đùn cám, máy ép, máy sấy cám, thậm chí máy đóng gói… Mỗi loại máy có giá thấp nhất từ 50 đến trên 100 triệu đồng. Số tiền này không phải hộ thành viên, HTX nào cũng có điều kiện để mua, nhất là khi chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, sử dụng máy móc, công nghệ sẽ đồng nghĩa với việc HTX sẽ tăng chi phí tiền điện, tính toán để thu mua, dự trữ nguyên liệu.
Chuẩn hóa quy trình
Trước thực tế trên, nhiều HTX cho rằng để tránh phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và giúp các HTX đầu tư cho phối trộn thức ăn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn. Hiện nay, nhiều HTX đã sử dụng thức ăn tự phối trộn nhưng tỷ lệ này còn thấp. Rất ít HTX sử dụng thức ăn tự phối trộn cho toàn bộ quy trình chăn nuôi vì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, ảnh hưởng tới giá thành thương phẩm.
Ngoài ra, cần hướng dẫn quy trình tự phối trộn thức ăn cho các hộ chăn nuôi, HTX. Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết hiện nay công tác khuyến nông, hỗ trợ tư vấn, đào tạo kỹ thuật về sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cho người dân, HTX còn mờ nhạt hoặc chỉ diễn ra theo đề án và từng địa phương. Vì vậy mà tỷ lệ người dân, thành viên HTX sản xuất theo kinh nghiệm vẫn còn cao.
Chính vì vậy, cần phát huy vai trò của khuyến nông, đẩy mạnh các lớp, khóa đào tạo về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để vừa giảm chi phí sản xuất, vừa bảo đảm được quy trình và chất lượng nông sản.
Điều này hoàn toàn đúng trong vấn đề hỗ trợ người dân, HTX nâng cao kỹ năng cũng như sử dụng các loại máy móc trong phối trộn và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, trong chăn nuôi, việc tuân thủ đúng kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cũng là giải pháp quan trọng giúp các HTX, người dân giảm bớt rủi ro, hạ chi phí.
Thực tế, người chăn nuôi, thành viên HTX chăn nuôi vốn là những người nông dân nhỏ bé và nhạy cảm, khi giá cả lên hay xuống đều tác động trực tiếp đến họ. Do đó, muốn những chủ thể này hạn chế được khó khăn, cần đưa việc tự sản xuất, phối trộn thức ăn chăn nuôi chuẩn hóa theo quy trình nhằm giảm chi phí. Muốn vậy, cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học để cho ra những công nghệ, thiết bị để đưa ra quy trình sản xuất, phối trộn thức ăn phù hợp cho người dân, HTX.
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (Hà Nội), cho rằng việc HTX tự phối trộn thức ăn là điều tốt nhưng cần có quy trình phù hợp để cho HTX, người dân áp dụng. Muốn vậy, Nhà nước cần phải có các khu thí nghiệm nhanh phục vụ HTX, người dân có nhu cầu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, mức độ dinh dưỡng trong thức ăn tự phối trộn để bảo đảm đúng quy trình. Vấn đề này vừa giúp HTX thuận tiện trong việc giao dịch, làm ăn với các doanh nghiệp, vừa đáp ứng quá trình chứng nhận sản phẩm...
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, định hướng thành lập và phát triển các HTX chuyên chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp. Bởi hiện nay đã có nhiều HTX chăn nuôi nhưng HTX chưa chuyên về sản xuất thức ăn. Điều này khiến chăn nuôi luôn bị yếu ở khâu đầu vào.
Ngược lại, khi có được những HTX chuyên chế biến thức ăn chăn nuôi, sẽ giúp tận dụng được nguồn nông sản, phụ phẩm trong nước, từ đó giải được bài toán giảm chi phí logistics, hạ giá thành so với nhập nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài.
Cùng với đó, nếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ có thể bảo quản theo cách truyền thống là phơi khô bỏ vào bao, túi nilon vì xây nhà kho tốn nhiều chi phí, còn chăn nuôi ít đầu tư nhà kho thì sẽ lãng phí. Nhưng khi có các HTX thì có thể đầu tư kho bảo quản để bảo đảm sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đặc biệt, các HTX này cũng sẽ thuận tiện trong liên kết với các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp để có thể mua được nguyên liệu đầu vào với giá phù hợp hơn, rẻ hơn để tự chế biến, hoặc thuê gia công nhằm giảm chi phí. Đây cũng là một xu hướng chăn nuôi hiệu quả cần được phổ biến rộng rãi.
Huyền Trang