Giá, gạo, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… đều đang tăng nóng. Ngay như cà phê, đầu năm, giá nông sản này quanh mức 70.000 đồng/kg nhưng tới nay đã tăng 63% lên 115.000 đồng/kg. Mức giá này đã gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cũng đang cao nhất trong 40 năm nay.
Hủy hợp đồng vì... mất mùa
Không chỉ cà phê, hồ tiêu, gạo mà ngay cả thanh long, dừa và quả vải chính vụ dự báo cũng có giá cao hơn vì sản lượng bị giảm. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, vụ vải năm nay ước giảm đến 70% so với năm ngoái, chỉ còn 50.000 tấn cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.
Giá nhiều mặt hàng nông sản tăng là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên thời tiết thất thường khiến diện tích bị thu hẹp, sản lượng giảm. Ngay như nhiều HTX ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung… đang đứng trước khó khăn vì thiếu nước phục vụ sản xuất nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đang bước vào cao điểm mùa khô.
Ông Kpă Kju, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư Mố (Gia Lai), cho biết HTX đã đầu tư, sửa chữa kênh mương, thuê xe múc nạo vét bùn đất, rác thải trong lòng các tuyến mương nhưng từ tháng 2 đến nay, lượng nước vẫn rất thấp. Vụ hè thu năm nay HTX xác định sẽ xảy ra tình trạng khô hạn cục bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa gạo và nguồn thu của thành viên.
Cà phê héo rũ vì khát nước nhiều ngày. |
Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), khu vực Đông Nam Bộ, lượng mưa đang thiếu hụt từ 70 - 95% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên lượng mưa thiếu hụt từ 45 - 70% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Khu vực Trung bộ, lượng mưa cũng bị thiếu hụt từ 10-40% so với cùng kỳ nhiều năm. Số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhiều nhất là Tây Nguyên, Trung bộ lên đến gần 60.000 ha.
Biến đổi khí hậu khiến nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước dẫn tới giảm năng suất, sản lượng cũng đồng nghĩa với việc người dân, HTX thất thu số tiền không hề nhỏ. Sản lượng nông sản sụt giảm cũng khiến HTX bị ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng đã ký kết với doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.
Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Hải (Bắc Giang) cho biết nếu như năm ngoái, 50 ha vải cho thu hoạch khoảng 410 tấn quả. Với giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, số tiền HTX thu về khoảng gần 15 tỷ đồng. Nhưng năm nay, sản lượng chỉ còn khoảng 20-30% so với năm ngoái. Chính vì vậy mà HTX đã bị hủy nhiều hợp đồng ký kết trước đó. Các thành viên sẽ mất đi nguồn thu hàng tỷ đồng.
Ảnh hưởng đến xuất khẩu
Việc bị ảnh hưởng bởi hạn hạn, biến đổi khí hậu khiến nông dân, HTX đứng trước tình trạng phải thu hẹp diện tích hoặc giảm sản lượng cây trồng. Trong khi để tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu thuận lợi thì ngoài chất lượng, yếu tố sản lượng cũng cần thiết nhằm phục vụ những hợp đồng có giá trị lớn và lâu dài. Sản lượng ổn định cùng giúp các HTX yên tâm khi đầu tư máy móc vào chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, nhiều mặt hàng trái cây như bưởi, dừa, chanh tươi… tăng giá mạnh 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái vì nguồn cung sụt giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
“Hiện nay thị trường của một số mặt hàng trái cây không chỉ tập trung ở Trung Quốc mà còn nhiều nước khác nên dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ còn cao trong thời gian tới”, Giám đốc Vina T&T cho biết.
Thống kê của ngành nông nghiệp các địa phương cũng cho thấy, nhiều loại trái cây khác như sầu riêng, xoài, chôm chôm tại các vùng chuyên canh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp tình trạng giảm năng suất ít nhất từ 20-30% do khô hạn kéo dài. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình xuất khẩu của mặt hàng rau củ quả trong năm nay.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, xuất khẩu rau quả đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% với tháng trước nhưng chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 5 đạt 180 triệu USD tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngay như mặt hàng sầu riêng, trong 4 tháng đầu năm 2024, dù Trung Quốc đã chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu nhưng vẫn giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc giảm đến 49% so với cùng kỳ năm trước.
Việc biến đổi khí hậu cũng đang gây ra nhiều khó khăn và áp lực chi phí lên các HTX vì phải tốn thêm nhiều công chăm sóc vì dịch bệnh gia tăng. HTX cũng phải đầu tư thêm vốn để dẫn nước, khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ tưới tiêu nhưng đây không phải là giải pháp bền vững.
Để ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, ngoài hỗ trợ về vốn để các HTX đầu tư máy móc, thực hiện dẫn nước, duy trì diện tích cây trồng, cần hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký hợp đồng bao tiêu. Trong khi hiện nay, thị trường nhiều mặt hàng nông sản đang rất nóng, các HTX muốn tồn tại và phát triển buộc phải gồng mình cố gắng, để cùng khách hàng vượt qua thời kỳ khó khăn.
Thực chất, việc hàng chục nghìn ha nông sản đang bị khô héo, mất trắng, hoặc ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, chất lượng sản phẩm vì thiếu nước, hạn hạn, hạn mặn… hằng năm là tình cảnh mà các HTX, nông dân phải thường xuyên đối mặt và hứng chịu trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cũng cho thấy sự bất cập trong việc quản lý, quy hoạch và phát triển nhiều loại cây trồng theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như đã và đang xảy ra.
Hiện, lĩnh vực trồng trọt, trong đó có cây ăn quả chưa có văn bản quy hoạch sản phẩm của các loại cây trồng. Đến nay, chỉ có Quyết định Số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Trong đó, định hướng trồng 14 loại cây ăn quả chủ lực là: thanh long, xoài, chuối, vải, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, mít, chanh leo, bơ, na... Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì đây chỉ là định hướng nên tính pháp lý chưa thực sự cao.
Huyền Trang