Thạc sĩ Nông nghiệp Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, cho biết nhiều HTX, doanh nghiệp nhỏ hiện nay mới quan tâm nhiều đến đến độ sạch, an toàn của sản phẩm với các chứng nhận cụ thể nên thường bỏ qua hoặc xem nhẹ vấn đề làm sao để bán được sản phẩm đó, để sản phẩm đó không bị chết dần, chết mòn.
Chưa chú trọng mẫu mã, thị trường
Theo đại diện BigGreen, các HTX thường bỏ qua vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm của các HTX dù chất lượng bên trong không hề kém cạnh trên thị trường nhưng bao bì chưa bắt mắt, chưa phù hợp với xu hướng thị trường.
Việc tập trung vào các yếu tố chất lượng sản phẩm thông qua kỹ thuật và chứng nhận thực chất là điều tốt. Nhưng với nhiều HTX, việc này có thể chiếm dụng nhiều thời gian, công sức, chi phí và cả chất xám nên không có đủ nguồn lực để đầu tư cho giá trị thị trường của sản phẩm mà chính HTX làm ra. Trong khi giá trị thị trường lại là những điều mà khách hàng thực sự cảm nhận, đánh giá, nhận diện về sản phẩm.
Bên cạnh đó, khâu tổ chức truyền thông của HTX còn yếu do chưa được quan tâm, chưa có kênh truyền thông riêng, nên nhiều người tiêu dùng không biết đến sản phẩm của HTX.
Nhiều HTX mới tập trung vào khâu sản xuất mà chưa quan tâm hoặc xao nhãng khâu thương mại hóa sản phẩm. |
Theo các chuyên gia, nhiều đơn vị sản xuất vẫn chưa hoặc không tập trung vào việc test thị trường khi phát triển sản phẩm. Để đảm bảo sản phẩm có thể “chín dần” qua mỗi giai đoạn, đơn vị sản xuất phải tiến hành thử nghiệm và kiểm tra trên nhóm khách hàng cụ thể xem có phù hợp và đủ độ “chín” để phát triển và đầu tư tiếp không.
Việc test thị trường ngoài việc giúp đơn vị sản xuất tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng với sản phẩm, những lo lắng, cản trở mà họ có thể gặp phải khi mua sản phẩm, kiểm tra thị trường đối với sản phẩm, mà còn cung cấp cơ hội để nhà sản xuất quan sát, lắng nghe và xin ý kiến khách hàng...
Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong thực tế hiện nay mà chuyên gia nhận thấy đó chính là các HTX, doanh nghiệp nhỏ lại thường bỏ qua hay e ngại việc test thử sản phẩm trên thị trường. Chính vì vậy, sản phẩm của họ thường chưa đủ “chín” khi cho ra thị trường. Kết quả là HTX bị tồn hàng, khó cạnh tranh...
Thương mại sản phẩm bằng AI
Có thể thấy, việc tạo ra một sản phẩm đã khó, việ làm sao để sản phẩm đó thành công trên thị trường là việc khó hơn nhiều lần đối với các HTX.
Để tăng khả năng thành công, các HTX cần phải thực sự đầu tư vào việc phát triển sản phẩm, không chỉ về mặt kỹ thuật sản xuất mà còn về mặt tổ chức kinh doanh và phát triển thị trường.
Bà Mai Phương, giảng viên Học viện AI, cho biết khi công nghệ đang được dang tay chào đón thì việc các HTX, doanh nghiệp nhỏ chủ động ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh sẽ giúp giải quyết những cản trở trong việc thương mại hóa sản phẩm.
Việc truyền thông bằng hình ảnh AI là điều buộc HTX cần phải tìm hiểu, làm quen và ứng dụng vào thực tiễn để không bị tụt hậu. Bởi hình ảnh trong truyền thông, quảng bá sản phẩm là rất quan trọng. Nếu làm bằng công nghệ bình thường, HTX phải có thiết bị chụp hình có giá trị (trên 20 triệu mới đảm bảo chất lượng hình ảnh), có chân máy, bộ điểu khiển khác… nên cũng khá tốn kém.
Ngoài ra, HTX phải học cách sử dụng các máy móc này để có kỹ năng sử dụng và học các phần mềm chính sửa. Như vậy, HTX phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể cho hình ảnh đẹp.
Nhưng khi AI phát triển giúp HTX giải quyết khó khăn về kinh phí, địa lý. Chẳng hạn, AI có thể giúp HTX sử dụng nhiều hình ảnh ở nhiều lĩnh vực. Việc học công cụ AI có thể tại nhà, không phải sắp xếp thời gian để di chuyển.
Và thông thường, nếu HTX lấy hình ảnh có sẵn trên internet để truyền thông thì hay vướng vào vấn đề bản quyền. Do đó, hình ảnh từ AI không chỉ giải quyết vấn đề bản quyền mà còn có tính độc đáo, cho HTX nhiều ý tưởng mới lạ.
Để làm được điều này, HTX nên tham gia các khóa học, hoặc cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để HTX tiếp cận các ứng dụng để có thể tận dụng AI trong việc lên kế hoạch quản lý, ý tưởng về bao bì, cách dùng AI để tạo hình ảnh, video…. nhằm thuận lợi trong thương mại hóa sản phẩm.
Có một vấn đề hiện nay là HTX đang có cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ một số chính sách của Nhà nước như xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, phát triển sản phẩm…, nhưng thực chất những sự hỗ trợ này không đủ để các HTX thành công trong thương mại hóa sản phẩm.
Nhà nước đang triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ hoạt động sản xuất, phát triển sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn và có chất lượng đối với HTX, nhất là những HTX khởi nghiệp. Cụ thể như Chương trình OCOP. Chương trình này là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong chương trình này, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Nhà nước cũng đóng vai trò quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và hỗ trợ một số hoạt động như đào tạo, tập huấn,…
Nhưng theo các chuyên gia, những điều này chưa thể đảm bảo để các HTX và sản phẩm của HTX làm ra được thành công về mặt thị trường và thương mại hóa. Bởi một khi muốn thành công trong việc chuyển từ ý tưởng kinh doanh thành các sản phẩm được thương mại hóa thì HTX vẫn tự nỗ lực là chính. Những kiến thức về thương mại hóa sản phẩm, marketing… cho HTX chưa được hỗ trợ, đầu tư bài bản, cụ thể.
Huyền Trang