Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 là, khi có khiếu kiện, đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm chứng minh hàng hóa của mình đạt chất lượng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Quyết liệt vì người tiêu dùng, HTX thêm trách nhiệm
Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng nếu HTX có giấy tờ, chứng minh được quy trình sản xuất thì khi chẳng may bị kiện cáo từ phía người tiêu dùng sẽ nhanh chóng chứng minh được và không bị ảnh hưởng xấu đến thương hiệu trên thị trường.
Vậy nhưng thực tế, khâu này lại là điểm yếu của không ít HTX vì các mô hình này thường gặp khó khăn, gián đoạn hoặc thiếu hiểu biết trong quá trình hoàn hiện các chứng nhận, công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, nếu muốn chứng minh được mặt hàng, dịch vụ của mình, HTX không chỉ tốn thêm thời gian, kéo dài hoài nghi của người tiêu dùng mà còn phải mất chi phí đi kèm. Bởi có những mặt hàng yêu cầu phải có các thông số kỹ thuật nhất định, đòi hỏi quá trình kiểm nghiệm phức tạp, chi phí dành riêng cho việc này có khi lên đến vài chục triệu đồng. Thậm chí có những sản phẩm các cơ quan phân tích trong nước chưa thể kiểm định mà phải gửi mẫu sang nước ngoài càng khiến HTX gia tăng chi phí.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quyền lợi của mình khi mua sắm hàng hóa. |
Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang có những quy định nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, các HTX là người làm ra sản phẩm và thường xuyên tiếp xúc với khách hàng theo hình thức trực tiếp và gián tiếp cần lưu ý để tránh bị kiện tụng, rơi vào vi phạm pháp luật vì không tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Trước đây, người tiêu dùng muốn kiện đơn vị sản xuất thì phải có bằng chứng chứng minh. Cụ thể, người tiêu dùng phải mang sản phẩm, hàng hóa đi kiểm tra, xét nghiệm, phân tích ở những trung tâm, cơ quan uy tín. Điều này thường chỉ diễn ra ở những khách hàng am hiểu pháp luật, có chi phí. Nhưng nay, việc chứng minh sản phẩm có minh bạch hay không lại được thực hiện từ phía đơn vị sản xuất nên các HTX nếu không có quy trình sản xuất, giấy chứng nhận rõ ràng cộng với việc quản lý nhận sự một cách chặt chẽ thì rất dễ rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”.
Đối với nhiều HTX sản xuất theo quy trình, trước khi đưa ra thị trường, 100% hàng hóa đều được kiểm tra mọi chỉ tiêu cảm quan ngoại quan, chất lượng theo công bố. Chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng công bố (dựa trên kết quả nội bộ/kết quả gửi mẫu trung tâm kiểm nghiệm), HTX mới xuất kho, xuất xưởng đưa hàng hóa ra thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc HTX Mekong Green (Vĩnh Long), vẫn có tình huống, cơ quan quản lý khi kiểm tra hàng hóa của HTX nhưng lấy mẫu tại các cửa hàng, nhà phân phối thì có mẫu không đạt các điều kiện về chất lượng. Trong khi có sản phẩm, HTX đã giao cho cửa hàng, đại lý một thời gian khá dài, từ 6-12 tháng trở lên và đại lý bảo quản hàng không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng nếu người tiêu dùng kiện cáo trong trường hợp này, HTX cũng không tránh khỏi những khó khăn, liên đới.
Trong nguy có cơ
TS. Trần Thanh Bình, nguyên Phó ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã từng thực hiện khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm, nông sản được chứng nhận khác nhau. Kết quả là có đến 70% người khảo sát tin tưởng lựa chọn nông sản, sản phẩm được chứng nhận bởi hệ thống đảm bảo của PGS.
Điều này cho thấy, để có được niềm tin của người tiêu dùng cũng như tránh các khiếu kiện không đáng có từ chính người sử dụng sản phẩm, các HTX sản xuất theo quy trình này phải tuân thủ đầy đủ các quy định cũng như chịu các mức xử lý vi phạm từ nhắc nhở, cảnh cáo đến đình chỉ chứng nhận và cho ra khỏi hệ thống nếu không tuân thủ quy trình.
Do đó, muốn không vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hạn chế trách nhiệm liên đới khi sản phẩm bị hư hao từ các cửa hàng đến tay người tiêu dùng, điều đầu tiên các HTX cần làm là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, không thực hiện các hành vi lừa dối người tiêu dùng trong quá trình sản xuất, đóng gói, quảng bá sản phẩm.
Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, cho biết việc các cơ quan quản lý, đơn vị chứng nhận tăng cường kiểm tra, giám sát sẽ tránh được những hiểu lầm, sự cố đáng tiếc trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Cụ thể là trong quy trình chứng nhận hữu cơ theo hệ thống của PGS, các kỹ sư giám sát với tần suất 1-2 tuần/lần. Đây là điều cần thiết vì những hàng hóa HTX đang sản xuất phần lớn là những sản phẩm ăn vào cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.Trong khi chứng nhận hữu cơ của Mỹ, Nhật cũng chỉ kiểm tra lặp lại với tần suất 1-2 năm/lần.
Về phía nhà sản xuất, các chuyên gia lưu ý, HTX cần nâng cao việc sản xuất minh bạch, bảo đảm quy trình và chú trọng đến việc phân loại đối tượng khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng nữ. Vì trong khoản 6 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định: “Minh bạch thông tin về thành phần, chức năng, lợi ích khác biệt đối với sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, dịch vụ được cung cấp dành riêng cho từng giới tính”.
Tuy nhiên, dù những quy định trong luật này có chặt chẽ đến đâu thì đó cũng là những lưu ý để các HTX nâng cao trách nhiệm, tuân thủ các quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Khi làm được những điều này, HTX sẽ có nhiều cơ hội lan tỏa sản phẩm và phát triển bền vững
Đặc biệt trước đây, người tiêu dùng thường ít quan tâm đến chất lượng cũng như quyền lợi của mình khi mua hàng nhưng nay, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với những quy định có lợi về phía người mua. Việc người tiêu dùng chú trọng đến xuất xứ, quy trình sản xuất, bao bì, thông tin sản phẩm…. thực chất cũng là cơ hội tốt cho hàng hóa của những HTX có tiêu chuẩn có 'đất sống'.
Bà Nguyễn Thị Thu Thoan, Giám đốc HTX gà vi sinh Thu Thoan ( Hà Nội) cho biết khi người tiêu dùng phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, khi họ biết đấu tranh, phản ứng quyết liệt trước những sản phẩm không bảo đảm chất lượng sẽ tạo ra sức mạnh vô hình, buộc các đơn vị sản xuất, kinh doanh không chân chính xem lại chính mình để thay đổi hoặc phải dừng cuộc chơi.
Đây cũng là cơ hội cho các HTX sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe có thể cạnh tranh với những sản phẩm có giá rẻ, không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Huyền Trang