Số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỷ đô la Mỹ, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do Trung Quốc tăng cường kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, trong đó, có hàng rau quả từ Việt Nam do quốc gia này thực hiện chính sách “zero Covid-19”.
Nóng, lạnh thị trường xuất khẩu
Thực tế này cũng đồng nghĩa với việc một số HTX sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm trái cây, nông sản từ tươi hoặc chế biến đều gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc HTX nông nghiệp Thiên Phúc (Tiền Giang), cho biết hiện nay HTX có khoảng 500 ha thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP. Cũng như nhiều đơn vị khác, thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long của HTX gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn thanh long đều xuất khẩu sang Trung Quốc.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, có thời điểm, nhiều HTX xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là sản phẩm trái cây chế biến, nhân hạt sang các nước Đông Âu cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Trương Đăng Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạo Lý (Hà Nam) cho biết, dù xuất khẩu sang Nga đã có những tín hiệu khả quan hơn nhưng thực chất, hoạt động xuất khẩu dưa chuột chế biến sang một số nước Đông Âu của HTX từ đầu năm 2022 đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lúc bị “đóng băng”. Sản xuất có thời điểm bị đình đốn vì các chuyến xuất hàng qua thị trường này phải tạm hoãn. Ngay cả thị trường truyền thống vốn được cho là dễ tính như Trung Quốc cũng không dễ tìm bạn hàng.
Sau hàng loạt biến cố như dịch bệnh, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tình hình lạm phát trên thế giới tăng cao và ngày càng lan rộng, các HTX đều nhận thấy rõ sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.
Cụ thể là người tiêu dùng tại nhiều nước thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa theo hướng ngày càng thắt chặt hơn trong việc chi tiêu. Họ ưu tiên các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, còn các dòng thực phẩm không thuộc nhóm thiết yếu như: trái cây chế biến, nhân một số loại hạt, hàng thủ công mỹ nghệ… không còn hút hàng như trước.
Việc mở rộng thị trường ngách giúp HTX giải quyết được phần nào khó khăn về đầu ra. |
Giám đốc HTX nông nghiệp Tuần Mỹ (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Nụ cho biết, không chỉ xuất khẩu rau, quả đông lạnh, xuất khẩu sản phẩm trái cây sấy chưa bao giờ gặp khó như hiện nay. Trong khi chi phí đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất đã tăng khoảng 30% nhưng sản phẩm đầu ra lại khó tiêu thụ vì người tiêu dùng các nước đều ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ngay cả thị trường vốn dễ tính là Trung Quốc hiện nay cũng bộc lộ nhiều rủi ro.
“Vài tháng trở lại đây, hoạt động xuất khẩu trái cây sấy của HTX bị giảm sút vì thị trường lớn là Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh. Các đối tác cũng chỉ đặt hàng nhỏ giọt, còn tại những thị trường như Nga, Hàn Quốc... đều khó tìm được khách mới, đơn hàng của khách quen cũng thưa hơn”, bà Nụ nói.
Tiềm năng từ thị trường ngách
Trước sự khó khăn của thị trường xuất khẩu và sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng, để tồn tại trong điều kiện chi phí sản xuất tăng cao như hiện nay, nhiều HTX chấp nhận giảm lợi nhuận và nỗ lực mở thêm nhiều thị trường ngách để duy trì và ổn định hoạt động sản xuất.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Đạo Lý đã phải liên kết với doanh nghiệp, chuyển hướng tìm mối xuất khẩu dưa chuột chế biến sang thị trường Nhật Bản. Đi cùng với đó, HTX phải điều chỉnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường này.
Cụ thể là quá trình chăm sóc, thành viên cần tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để sản phẩm có kích cỡ phù hợp với yêu cầu của Nhật Bản. Đối với những quả không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX đã phải liên kết để bán cho các doanh nghiệp chế biến ở trong nước với giá thấp hơn.
Với hướng đi này, HTX cũng phải bỏ thêm khoảng 1.000 đồng/kg dưa vì chi phí đầu vào tăng cao từng ngày. Tuy nhiên, theo ban giám đốc HTX, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới là giải pháp tình thế để HTX tiêu thụ hết số nông sản trên diện tích đã ký kết với người dân, thành viên. Nếu HTX không thu mua, thành viên và người dân không sản xuất nữa thì sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung trên thị trường.
Bên cạnh việc xuất khẩu khó khăn, nhiều HTX vốn chỉ tập trung làm đơn hàng xuất khẩu hiện nay cũng đã quan tâm đẩy mạnh hơn các kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đặc biệt là tận dụng thị trường du lịch đang hồi phục sau dịch và nhất là hiện nay đang là cao điểm hè, nhiều HTX đẩy mạnh kênh tiêu thụ tại chỗ cho các sản phẩm hàng hóa, từ đó phục vụ nhu cầu của người dùng trong và ngoài nước.
Ngay như HTX Thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (Hà Nội), dù định hướng đẩy mạnh xuất khẩu nhưng thời gian gần đây, HTX đã chú trọng hơn đến thị trường trong nước bằng cách đưa sản phẩm sachi đã qua chế biến vào các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và tham gia các hội chợ. Giám đốc HTX, bà Đỗ Thị Kim Thông cho biết, nếu làm tốt vấn đề xúc tiến thương mại, dù là ở trong nước HTX vẫn có thể tiếp cận với đối tác nước ngoài đang có nhu cầu, từ đó tiêu thụ thuận lợi hơn.
Hay như nhiều HTX có sản phẩm trái cây sấy, các sản phẩm thực phẩm OCOP… cũng đang chuyển hướng tập trung đưa hàng vào các trạm dừng nghỉ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách đi du lịch. Ngoài ra, một số HTX cũng quan tâm đưa hàng về nông thôn, vào các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ…. Có những HTX quay về tiếp cận các thị trường ngách như Campuchia, Thái Lan… để giải quyết bài toán đầu ra trong lúc khó khăn dồn dập như hiện nay.
Theo các chuyên gia, các HTX cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ nên việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, thị trường ngách sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Chẳng hạn như thị trường nội địa cũng ngày càng phát triển, quy mô dân số lớn với 100 triệu dân nhưng HTX cũng dễ nắm bắt nhu cầu khách hàng hơn. Hơn nữa, các đại lý, siêu thị hiện nay đang có nhu cầu mua hàng nội địa để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng vào kho và đỡ gặp trục trặc trong vấn đề xuất nhập khẩu, nhất là logistics.
Ông Vũ Đức Dũng (Jack Dũng), Giám đốc đào tạo Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, cho biết không chỉ HTX mà cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã thấy được tiềm năng của thị trường trong nước hoặc một số thị trường ngay trong khu vực nên tập trung phát triển mạnh.
Việc quay về thị trường ngách với việc am hiểu văn hóa, tâm lý tiêu dùng của người Việt sẽ giúp các HTX nhanh chóng tìm được thị trường cho riêng mình. Đặc biệt, tại thị trường nội địa, HTX có thể tạo tính tự chủ cho hàng hóa và khi đã đứng vững ở thị trường nội địa, HTX có thêm tiềm lực để tiếp tục vươn ra thị trường thế giới.
“Trước mắt, cách làm này có thể giúp HTX duy trì sản xuất để có nguồn trả công cho lao động và thu mua hết nông sản theo như cam kết cho nông dân đang gặp khó khăn về đầu ra. Nhưng về lâu dài, HTX có thể mở rộng được thị trường và đạt các mục tiêu về lợi nhuận”, ông Dũng nói.
Huyền Trang