HTX thủy sản Long Thạnh (Vĩnh Long) chuyên sản xuất ếch, cá trê, lươn theo mô hình khép kín. Nhờ đầu tư hệ thống nhà sơ chế, chế biến, HTX đã kết nối với thị trường Campuchia từ năm 2019 đến nay thông qua Sở nông nghiệp Svay Rieng.
Cơ hội từ thị trường Campuchia
Ông Cao Phú Khánh, Giám đốc HTX cho biết, thủ tục xuất khẩu sang Campuchia đơn giản hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước EU rất nhiều, gần giống đưa hàng vào siêu thị trong nước. Trong khi đó, nhu cầu về mặt hàng thủy sản từ thị trường Campuchia cũng khá tiềm năng.
Không bỏ qua cơ hội từ thị trường này, trong kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa giai đoạn từ 2012-2025, ngoài Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc Nhật Bản, tỉnh Sơn La vẫn coi Campuchia là một thị trường xuất khẩu nhãn, mận… tiềm năng.
Và thực tế đã có nhiều HTX trồng cây ăn quả ở Sơn La xuất khẩu nông sản thành công sang Campuchia như HTX xây dựng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chấn Yên liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu mận; HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bảo Lâm xuất khẩu nhãn... Theo các HTX, yêu cầu sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chỉ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thu hái, đóng gói đúng quy cách.
Có thể thể thấy, Campuchia là một thị trường gần với Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX tận dụng được cơ hội xuất khẩu nông sản, không ít HTX lại bỏ qua thị trường này. Trong khi nếu muốn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Sỹ, điều đầu tiên là các HTX cần phải bảo đảm được các đơn hàng với số lượng lớn, đạt được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng như các chứng nhận hữu cơ quốc tế, trải qua nhiều công đoạn kiểm dịch thực vật phức tạp…
Campuchia vẫn đang là thị trường tiêu thụ mận tiềm năng của các HTX ở Sơn La. |
Chẳng hạn như quả xoài Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật, các cơ quan chức năng phải mất 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại. Không những thế, mới đây, Nhật Bản lại tiếp tục yêu cầu xoài Việt Nam phải đảm bảo các quy định về canh tác; quy trình sơ chế đóng gói. Đặc biệt, lần đầu tiên thị trường này yêu cầu trái xoài Việt Nam phải đảm bảo về mã số vùng trồng. Chính vì vậy, người dân, HTX cần hoàn thiện một loạt các yêu cầu khắt khe trong tổ chức sản xuất, quản lý, giám sát thì Nhật Bản mới tiếp tục nhập khẩu nông sản này.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, không chỉ yêu cầu rất cao về chất lượng, số lượng, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, muốn xuất sang các thị trường lớn đòi hỏi HTX, doanh nghiệp phải vượt qua quãng đường dài nên nếu không đầu tư cho bảo quản, chế biến và vận chuyển một cách chuyên nghiệp thì chất lượng nông sản rất dễ bị xuống cấp khi đến thị trường đích.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường phát triển đòi hỏi HTX có nguồn vốn lớn, bởi phải sau một thời gian, HTX, doanh nghiệp mới có thể thu được lợi nhuận. Thế nhưng, đối với các thị trường gần như Campuchia, theo ông Đông, HTX có thể thu được lãi ở ngay những lần xuất hàng đầu tiên.
Điểm thuận lợi trong xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang Campuchia là quãng đường vận chuyển hàng ngắn. Việt Nam và Campuchia cũng có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. Chính vì vậy, các HTX không mất quá nhiều thời gian, chi phí để tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu khách hàng. Nếu tận dụng được những điều này, các HTX có thể gắn bó, hợp tác đưa hàng hóa, đặc biệt là các nông sản đặc trưng của Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường nước bạn.
Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,6 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia khá đa dạng, trong đó có thực phẩm, nông sản chế biến, nông sản tươi, bánh kẹo và ngũ cốc. Đây đều là thế mạnh của không ít HTX hiện nay.
Là HTX đã xuất khẩu sang Campuchia, bà Trịnh Thị Hồng Duyên, thành viên HTX chè Nhất Thiên Hương (Thái Nguyên) cho biết, chè búp khô được người dân Campuchia đánh giá cao nên HTX vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng các đơn hàng sang thị trường này trong thời gian tới.
Phải có chiến lược rõ ràng
Ngoài Campuchia, Lào cũng được đánh giá là một thị trường gần, giàu tiềm năng đối với nông sản, hàng hóa của các HTX.
HTX Thủy sản Thanh Chăn (Điện Biên) có diện tích ươm nuôi thủy sản lên đến gần 5ha – lớn nhất khu vực lòng chảo Mường Thanh. Hiện, thị trường tiêu thụ cá giống cho HTX chủ yếu là các huyện vùng ngoài lòng chảo Điện Biên và xuất sang Lào, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Việc HTX Thanh Chăn lựa chọn Lào là thị trường đầu ra lâu dài không phải chuyện ngẫu nhiên. Ông Trần Văn Yên, Giám đốc HTX cho biết, Lào và Việt Nam hiện có 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, 8 cặp cửa khẩu quốc tế, có 10 tỉnh giáp biên. Điều này giúp giao thương thuận lợi, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á và thế giới.
Chia sẻ về những thuận lợi, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào, bà Lê Thị Phương Hoa cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Lào đạt hơn 690 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải pháp cho nông sản tươi là xuất khẩu sang những thị trường gần. |
Việc xuất khẩu sang Lào được hưởng lợi ưu đãi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào.
Bên cạnh đó, thị trường này không yêu cầu quá cao về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng tại Lào cũng đánh giá cao và có thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam. Lào cũng chấp nhận tất cả các tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu, trong đó bao gồm Việt Nam. Chính vì vậy mà hầu hết các tiêu chuẩn được các HTX áp dụng trong nước từ hữu cơ thông thường đến VietGAP… đều được đối tác này “ưng thuận” và không đòi hỏi những tiêu chuẩn như mã số vùng trồng, chiếu xạ, khử trùng...
“Nếu xuất sang EU , Thụy Sỹ, các HTX bắt buộc phải bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế như USDA, xuất sang Nhật bản phải bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật là JAS… Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn của các HTX hơn là xuất sang Lào”, bà Hoa nói.
Là đơn vị chuyên thu mua nông sản của HTX phục vụ xuất khẩu, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ, cho biết muốn xuất khẩu vào Mỹ, HTX bắt buộc phải có chứng nhận hữu cơ, và phải là chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ. “Doanh nghiệp Mỹ không chấp nhận tiêu chuẩn VietGAP vì tiêu chuẩn này chỉ sử dụng trong phạm vi của Việt Nam nên họ không biết và khi không biết thì cũng đồng nghĩa với việc họ không chấp nhận”, ông Thìn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nâng cao tiêu chí chất lượng, đáp ứng các thị trường khó tính, việc tận dụng các thị trường gần như Lào, Campuchia, Thái Lan... là điều cần thiết. Bởi thị trường đầu ra cho hàng hóa luôn có nhiều biến động, nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra, cước vận tải xuất đi các nước trên thế giới đang chưa có dấu hiệu dừng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nông sản chưa qua chế biến của Việt Nam hiện còn cao, khoảng 65%, nên việc xuất khẩu tươi sang các thị trường gần sẽ phần nào giải quyết được bài toán được mùa mất giá, giảm chi phí vận chuyển, phù hợp điều kiện đầu tư, từ đó từng bước tăng sức cạnh tranh. Và mặc dù là các nước nông nghiệp trong khu vực, nhưng các thị trường này cũng có nhu cầu lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi, thủy sản vì đặc điểm lệch mùa.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, Thái Lan đang tận dụng tốt tiềm năng xuất khẩu sang thị trường như Lào, Campuchia hơn Việt Nam. Nguyên nhân là hàng Thái đa dạng chủng loại, mẫu mã, giá cạnh tranh hơn hàng Việt. Đi cùng với đó là chiến lược truyền thông chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Thái nên hàng Thái cũng là sản phẩm được người Lào, Campuchia lựa chọn từ lâu.
Để tận dụng tốt tiềm năng của các thị trường này, theo các chuyên gia, HTX cũng phải có chiến lược rõ ràng, trong đó chú trọng chế biến, đa dạng mặt hàng nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và cạnh tranh với hàng Thái. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần chú trọng đến công tác vận chuyển bởi hiện nay, các mặt hàng tươi sống của Việt Nam vẫn thua Thái Lan trong khâu vận chuyển vì thời gian dài hơn.
Huyền Trang