Do đó, TP Đà Nẵng đã phối hợp với Liên minh HTX TP Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ các HTX trẻ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng mạnh mẽ để thành lập thêm các HTX sản xuất theo mô hình mới, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Định vị thương hiệu
Để phát triển và ổn định thương hiệu, các HTX phải sản xuất theo các chuẩn nhất định, được cấp chứng nhận chuẩn để định vị thương hiệu đối với người tiêu dùng. Theo đó, các HTX đặc biệt quan tâm đến các chứng chỉ chăn nuôi, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí chuẩn quốc tế. Qua đó, vai trò kết nối của Liên minh HTX TP Đà Nẵng cũng được khẳng định thông qua kết nối các tổ chức, cơ sở cấp chứng nhận, kiểm định.
Chị Nguyễn Thị Loan- Giám đốc HTX sản xuất và tiêu dùng Phúc Lạc đang giới thiệu sản phẩm snack rong biển Đại Dương ở Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 12/2019 (Ảnh: TL) |
Thành lập vào năm 2018, HTX Thu Bồn Mart (52 Hoàng Diệu, quận Hải Châu) không chỉ sản xuất giá đỗ, đậu khuôn sạch để cung cấp sản phẩm ngon, sạch cho thị trường. HTX còn liên kết với các HTX khác bao tiêu sản phẩm.
Giám đốc HTX Thu Bồn Mart, anh Lê Anh Quang (37 tuổi) đã chủ động kết nối các hộ sản xuất, thành viên các HTX ở vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ), thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Tất cả rau, củ, quả dù “đẹp” hay “xấu” đều được HTX Thu Bồn Mart mua toàn bộ, để các hộ nông dân yên tâm trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu.
Dù vừa được tư vấn thành lập, nhưng HTX sản xuất và tiêu dùng Phúc Lạc do chị Nguyễn Thị Loan (37 tuổi) làm giám đốc đã nhanh chóng mở rộng thị trường vào các tỉnh phía Nam.
Chị Loan ăn chay và đặc biệt ưa thích các sản phẩm làm từ rong biển. Năm 2014, thực hiện những dự định ấp ủ, chị đã khởi nghiệp với sản phẩm rong biển sấy khô. Theo đó, chị đã vay mượn, gom góp gần 500 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy rang sấy, đóng gói. Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm nên sản phẩm chưa đạt chuẩn, lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau gần 1 năm kiên trì nghiên cứu quy trình chế biến, thử nghiệm…, cuối cùng snack rong biển Đại Dương đã thành công.
Mong muốn của chị là làm ra món snack rong biển đậm đà, hơi cay nhẹ theo khẩu vị của người miền Trung để cạnh tranh với vị ngọt công nghiệp ở rong biển các nước nhập khẩu vào Việt Nam. Chị chia sẻ: “Bên cạnh tiêu chí ăn là ngon, còn phải khiến người tiêu dùng an tâm khi chọn, an lành khi ăn”.
Hiện, snack rong biển Đại Dương có mặt ở gần 600 điểm bán tạp hóa nhỏ lẻ, siêu thị mini, quán chay… ở TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành miền Trung, mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng/tháng. Thời gian tới, chị Loan dự định vay vốn, đầu tư công nghệ sản xuất tự động với chi phí hơn 3 tỷ đồng để nâng công suất lên gấp 5 - 6 lần.
Theo ông Tôn Thất Uyên - Phó chủ tịch Liên minh HTX TP Đà Nẵng: Không chỉ hỗ trợ HTX cung ứng dịch vụ cho thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, Liên minh HTX TP Đà Nẵng còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Ông Uyên cho biết: “Liên minh HTX đóng vai trò là người đại diện, can thiệp kịp thời giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của thành viên, cũng là cầu nối kiến nghị đến chính quyền những vấn đề, chính sách chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên phát triển”.
Hỗ trợ HTX phát triển
Năm 2019, từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng, thông qua Liên minh HTX TP Đà Nẵng đã có 30 HTX được hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài thành phố, 6 HTX được hỗ trợ xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm (tổng kinh phí 470 triệu đồng).
Bên cạnh đó còn có một số khoản hỗ trợ khác như: thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm; tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình HTX tiêu biểu… Riêng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân 3,6 tỷ đồng cho các HTX vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Quỹ Khuyến công đã hỗ trợ HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt mua sắm 1 máy đóng gói sản phẩm tiên tiến ở nước ngoài (Ảnh: TL) |
Ví dụ như trường hợp của HTX Sản xuất và Dịch vụ kinh doanh tổng hợp Đồng Nghệ (thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), được thành lập vào cuối tháng 3/2019, với 19 thành viên và tổng số vốn điều lệ 2 tỷ đồng từ kinh phí tự đóng góp. Ngành nghề chính của HTX Đồng Nghệ là chăn nuôi (gà ta, cá diêu hồng, cá sơn, cừu), trồng rau củ quả các loại, lúa hữu cơ, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp cho trồng trọt và chăn nuôi…
Ông Chu Văn Phong, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: “Với nhiều sự hỗ trợ của Liên minh HTX thành phố và các sở, ngành, chính quyền địa phương, bước đầu, HTX đã đi vào hoạt động đúng hướng, làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm, giúp các hộ chăn nuôi yên tâm, phấn khởi sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.
Hay như HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt (số 74 Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) thành lập vào tháng 2/2019. Giám đốc là chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư (31 tuổi). Ngành nghề chính của HTX là nghiên cứu, nuôi trồng vi tảo xoắn spirulina và sản xuất các sản phẩm từ tảo, kinh doanh các sản phẩm từ tảo và nông sản.
Sau hơn 2 tháng hoạt động, vào đầu tháng 5/2019, các sản phẩm của HTX Công nghệ cao Mặt Trời Việt đã được đông đảo khách hàng tin tưởng, có sức tiêu thụ mạnh. Hiện nay, HTX đã có mạng lưới tiêu thụ khá rộng ở khắp cả nước như: Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, TP.HCM…
Đặc biệt, Quỹ Khuyến công đã hỗ trợ HTX mua sắm một máy đóng gói sản phẩm tiên tiến ở nước ngoài. Chị Thư cho biết: “HTX đang chuyển giao quy trình, công nghệ sản xuất sản phẩm cho các thành viên HTX để sản xuất và HTX bao tiêu sản phẩm của các thành viên. Riêng máy đóng gói do Quỹ Khuyến công hỗ trợ mua sắm, HTX sẽ sản xuất một dòng bánh quy tảo mới có chất lượng cao và hứa hẹn được nhiều người tiêu dùng ưa chọn, giúp cho HTX sản xuất và kinh doanh khởi sắc hơn”.
Đan Nam