Biến tiềm năng thành cơ hội
Theo đó, phát triển nghề trồng nấm đã mang lại nhiều ý nghĩa, không những tận dụng hiệu quả nguồn phế thải từ nông nghiệp, dọn sạch đồng ruộng, giải phóng đất đai cho mùa vụ mới, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn với nhiều lứa tuổi. Không chỉ vậy, nghề nấm tạo ra nhiều dịch vụ đi kèm như cung ứng rơm rạ, sản xuất meo nấm, thu mua, sơ chế…
Nghề trồng nấm ở Đà Nẵng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân (Ảnh:TL) |
Đặc biệt với những người có ít đất canh tác, nghề trồng nấm con là hướng đi đúng đắn. Do đầu vào chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70 - 80% giá thành sản phẩm), lại hoàn vốn nhanh (20 - 30 ngày là có sản phẩm thu hoạch) nên nghề trồng nấm không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như các loại cây trồng khác.
Hiện, các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư; các tỉnh phía Bắc trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi...
Với điều kiện khí hậu thuận lợi và đặc biệt là nguồn phế phẩm trong nông, lâm nghiệp như rơm rạ, trấu, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ… rất lớn, nghề trồng nấm mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân ở TP Đà Nẵng, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp người trồng nấm lắm phen chao đảo khi giá cả không ổn định, thậm chí thua lỗ bởi những hạn chế trong công nghệ, công tác giống, năng suất, chất lượng và sự đa dạng sản phẩm. Do việc sản xuất nấm vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên những HTX nấm lần lượt ra đời chính là để giải quyết vấn đề, phát triển nghề nấm, tạo ổn định thu nhập cho nông dân.
Nhiều mô hình hiệu quả
Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có gần 20 HTX trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi…, trong đó có nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả.
Mô hình trồng nấm của các HTX ngày càng phát triển (Ảnh: TL) |
Là HTX tiên phong trong lĩnh vực sản xuất giống nấm trên địa bàn thành phố, sản phẩm của HTX Sản xuất giống và dịch vụ nuôi trồng nấm An Hải Đông (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đã được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Với thế mạnh là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống nấm, giống do HTX sản xuất hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi trồng nấm thương phẩm ở Đà Nẵng mà còn cung cấp cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Hay như ở HTX Kim Thanh (quận Thanh Khê), với 21 xã viên, vốn góp 300 triệu đồng, mỗi năm làm ra sản phẩm trị giá 1,2 tỷ đồng. Nét nổi bật của HTX này là nấm được chế biến trước khi đưa ra thị trường, lợi nhuận cao.
Còn ở khu vực nông thôn, HTX Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh tổng hợp Nấm Hòa Tiến (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) có lợi thế về nguyện liệu, đẩy mạnh sản xuất nấm rơm thương phẩm. Với 23 hộ thành viên được tập huấn kỹ thuật chu đáo, ai nấy đều coi sản xuất nấm là hoạt động kinh tế chính của gia đình, HTX đã đầu tư mua máy xay keo lá tràm, chủ động bột nguyên liệu và sử dụng trấu để sản xuất nấm bào ngư.
Mặc dù thành lập muộn hơn các HTX trên nhưng HTX nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã tạo việc làm cho nhiều người dân với mức thu nhập ổn định, từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, HTX lãi gần 150 triệu đồng từ việc trồng nấm.
Theo ông Nguyễn Văn Nhi - Giám đốc HTX nấm Nhơn Phước: “HTX đã liên hệ với các doanh nghiệp tìm hướng tiêu thụ ổn định để giải quyết đầu ra của sản phẩm, cố gắng để cho các thành viên nâng cao thu nhập. HTX cũng đầu tư về cơ giới hóa trong sản xuất là dây chuyền đóng bịch phôi nấm tự động và hệ thống tưới nhà xưởng, ứng dụng các tiến bộ khóa học kỹ thuật”.
Thời gian tới, các HTX rất mong chính quyền các cấp, ngành chức năng quan tâm đầu tư hơn nữa để việc sản xuất nấm thương phẩm ngày càng phát triển mở rộng, nâng cao hơn nữa thu nhập của người dân.
Ngọc Giang