Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Rau, hoa VietGAP Tiên Sinh (Lâm Đồng) cho biết là một đơn vị sản xuất rau tại Đà Lạt nên những tháng mùa mưa diễn ra, người trồng rau phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn hàng. “Thời tiết hiện tại “hơi khó” nên rau củ quả trở nên khan hàng”, Giám đốc HTX Tiên Sinh nói.
Khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Nếu vào mùa khô, rau màu thường phát triển mạnh mẽ nếu chăm sóc tốt thì vào mùa mưa, tình trạng lại trái ngược. Đây cũng là vấn đề đau đầu của các nhà máy chế biến, hệ thống siêu thị, các bếp ăn công nghiệp trong việc tổ chức nguồn hàng rau củ quả.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến và xuất khẩu nông sản Việt (Thanh Hóa), cho biết người tiêu trong và ngoài nước đã quen và có nhu cầu cao với mặt hàng rau củ quả chế biến, sấy lạnh, đông lạnh… và các sản phẩm này bán rất chạy. Doanh nghiệp cũng có nhiều đơn hàng, nhưng nếu nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ sẽ dẫn đến nhà máy hoạt động cầm chừng, không đủ hàng đáp ứng các đơn đã ký kết.
Quá trình sản xuất rau củ quả của các HTX cho thấy, thời điểm hay bị thiếu hụt nguồn cung thường diễn ra trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 11 dương lịch, trong đó cao điểm thường từ cuối tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Điều này khiến các HTX không đáp ứng được số lượng đơn hàng theo kế hoạch của đơn vị thu mua.
Sản xuất nông sản mùa mưa dễ bị hao hụt do dập nát. |
Một điểm khiến thành viên các HTX lo lắng đó là sản xuất rau màu khi gặp mưa liên tục khiến cây khó phát triển, cảm quan không được đẹp mắt, kích cỡ rau củ nhỏ và thiếu đồng đều, màu sắc sản phẩm xấu. Đặc biệt mưa nhiều ngày khiến chất lượng rau củ quả giảm mạnh.
Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ (Hà Giang), cho biết rau ăn lá gặp mưa nhiều thường bị xốp hơn, độ giòn, ngọt giảm. Đặc biệt là với trái cây, chỉ cần buổi thu hoạch gặp mưa là độ ngọt giảm đi nhiều phần, ảnh hưởng đến chất lượng quả. Đi liền với đó là tỷ lệ hao hụt hàng hóa tăng cao so với mùa thuận do nông sản dễ bị dập nát, thối, úng nên không bảo đảm được sản lượng cũng như chất lượng.
Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Thái Sơn lấy dẫn chứng về cây cà chua. Nếu mùa thuận, với lượng cây 3.100 – 3.200 cây/sào sẽ cho sản lượng từ 6,5-7 tấn với tỷ trọng 80% cà chua lớn (8-12 trái/kg). Nhưng vào màu mưa, sản lượng loại quả này chỉ còn một nửa với chủ yếu là cà chua size trung bình (13 -15 trái/kg). Đặc biệt, nếu gặp mưa bão, lũ lụt thì khả năng mất trắng hoặc thất thu do dịch bệnh vẫn có thể xảy ra.
Một vấn đề các HTX đau đầu không kém đó chính là rau củ quả gặp mưa nhiều còn rất khó bảo quản, dễ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng mà các doanh nghiệp, nhà máy đặt ra từ khi ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu với HTX. Chính vì vậy, có những HTX từng rơi vào hoàn cảnh, dù đã thực hiện giao hàng nhưng do mưa nhiều, đường giao hàng xa khiến rau tại thời điểm đưa lên kệ siêu thị không còn bảo đảm chất lượng nên bị trả về.
“Nếu không cẩn thận, HTX còn bị phạt do rau củ bị bám bùn đất, ốc sên, bèo tấm…”, anh Nguyễn Thái Sơn cho biết.
Cạnh tranh cung cầu
Có vấn đề đặt ra là mưa gió là “việc của ông trời” nên dù dù sản xuất bị ảnh hưởng nhưng nhu cầu tiêu thụ rau quả của người dân, doanh nghiệp, nhà phân phối… vẫn không thể dừng. Lúc này, bài toán cạnh tranh giữa các nhà cung ứng nông sản diễn ra gay gắt càng khiến các HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX thêm áp lực.
Theo các chuyên gia, chợ đầu mối, chợ truyền thống vốn là nơi hút nguồn hàng ở các vùng canh tác. Vào mùa mưa, các vùng trồng liên kết, nguồn cung ứng của các HTX với siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thường bị cạnh tranh mạnh mẽ với hệ thống thương lái để cung ứng cho chợ đầu mối, cũng như các chợ lẻ.
Do mùa mưa, mặt hàng nông sản tươi, đặc biệt là rau màu giảm mạnh nên các chợ đầu mối, chợ bán lẻ ưu tiên thu gom qua thương lái ở các địa phương có vùng chuyên canh rau màu. Nguyên nhân được đưa ra là thương lái thường mua cả ruộng, mua từ khi nông sản còn non và bán theo số lượng lớn nên hệ thống chợ sẽ bảo đảm được nguồn hàng và tận dụng được sự chênh lệch về giá khi bán sỉ từ đó bảo đảm được lợi nhuận cao nhất trong mùa mưa cho các chợ.
Còn về kênh tiêu thụ là các nhà máy chế biến. Kênh tiêu thụ này được TS Nguyễn Thị Tân Lộc, Trưởng Bộ môn Kinh tế thị trường (Viện Nghiên cứu rau quả), cho rằng phải cạnh tranh trực tiếp với kênh bán lẻ. Vì các nhà máy thường thu mua nông sản cân đối giữa cả hàng loại 1 và 2, và thường loại 2 chiếm đến 70%. Đi liền đó là yêu cầu cảm quan nông sản không quá khó như kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Nhưng một điểm cần lưu ý là do nhà máy chế biến yêu cầu tính ổn định cao nên thường có kế hoạch thu mua nông sản để dự trù. Do đặc điểm khâu chế biến có giá trị gia tăng cao hơn khâu sơ chế nên vào một số thời điểm, kể cả mùa mưa các nhà máy vẫn có nhu cầu lớn, thậm chí là sẵn sàng tăng giá để mua nguyên liệu, nhằm hút nguồn đảm bảo cho kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Do đó, làm sao để cạnh tranh được trên thị trường, tận dụng được những điểm mạnh của các kênh phân phối là điều mong muốn của không ít HTX. Bởi dù bán cho thương lái, siêu thị, hay nhà máy thì mỗi đơn vị thu mua cũng mang lại những lợi ích riêng cho HTX. Nhất là khi HTX đảm bảo được nguồn cung ổn định.
Là một doanh nghiệp sản xuất nông sản cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng nông sản tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, CEO Công ty TNHH SX TM DV Hương Đất, cho biết có thể mỗi HTX, đơn vị sản xuất nông sản có những kênh tiêu thụ riêng nhưng nhìn chung, vấn đề bảo đảm nguồn hàng về chất lượng và số lượng vốn đã khó với cá đơn vị sản xuất thì vào mùa mưa còn khó hơn vì sản xuất bị tác động từ nhiều yếu tố. Có đơn vị sản xuất ở vùng sâu, vùng xa rất phù hợp cho rau màu phát triển nhưng làm sao để rút ngắn được thời gian vận chuyển để rau màu khi lên kệ siêu thị vẫn giữ được chất lượng, không trả về là cả một bài toán cần phải giải.
Một điều nữa đó là khâu quy hoạch vùng sản xuất của các HTX vẫn còn nhiều bất cập. Không ít HTX gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích để phát triển vùng nguyên liệu do khó thuê, mua đất. Đi liền với đó là yêu cầu về kiểm soát vùng nguyên liệu để tránh thụ động vào mùa mưa.
Cụ thể là muốn mở rộng vùng trồng, muốn phát triển thêm đối tượng cây trồng, HTX cũng cần có nguồn nhân lực kỹ thuật đủ để áp dụng quy trình canh tác. Bởi mỗi loại nông sản khi sản xuất cần một quy trình kỹ thuật riêng từ làm đất, kiểm soát dịch bệnh, bón phân, thu hoạch, đóng gói, bảo quản … khác nhau mới có thể đáp ứng được với tiêu chuẩn của đơn vị thu mua, thị trường.
Huyền Trang