Tại tọa đàm “PGS (sản xuất hữu cơ) -Thực tiễn vận hành và bài học ứng dụng” do Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức ngày 23/5, Ths nông nghiệp Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, cho biết thông thường, khi nghe thấy nơi nào có đơn vị, HTX sản xuất sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp đều đến để kết nối nhằm phục vụ bán lẻ, bán buôn.
Nhu cầu lớn nhưng vùng nguyên liệu chưa nhiều
Nhưng thực tế cho thấy, chỉ trừ mặt hàng trái cây, còn những sản phẩm hữu cơ về rau củ có số lượng rất khiêm tốn. BigGreen hiện chỉ có 4 sản phẩm rau để bán buôn đó là: dưa chuột hữu cơ Kim Bôi (Hòa Bình), dưa chuột hữu cơ ở Thạch Thành (Thanh Hóa), ngoài ra là mặt hàng hành, tỏi. Hiện doanh nghiệp chưa tìm được rau ăn lá đủ để bán buôn.
Không chỉ nhu cầu của doanh nghiệp mà nhu cầu thực tế của khách hàng cũng rất lớn nhưng đến nay, số nông sản hữu cơ tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp chỉ khoảng 500kg/ngày. “Số lượng này chiếm chưa đến 10% trong tổng số nông sản, thực phẩm hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp bán mỗi ngày”, Giám đốc BigGreen, cho biết.
Ông Bùi Văn Hậu, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sói Biển Trung Thực, cho biết nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng rất lớn nên doanh nghiệp cũng có mục tiêu tăng sản phẩm hữu cơ trong tổng số mặt hàng hóa trong hệ thống Sói Biển. Do đó, doanh nghiệp mong muốn mỗi farm, mỗi HTX chuyên về nông nghiệp hữu cơ có thể đẩy mạnh sản xuất, mở rộng diện tích bên cạnh việc đảm bảo chất lượng để có thể cung cấp cho Sói Biển khoảng 500kg đến 1 tấn nông sản hữu cơ/ngày.
Nhu cầu thị trường về thực phẩm hữu cơ ngày một lớn buộc các HTX phải tìm cách để nâng diện tích bên cạnh việc bảo đảm chất lượng. |
Trước thực tiễn của các doanh nghiệp có thể thấy, nhu cầu của khách hàng, đối tác, thị trường về sản phẩm hữu cơ là không hề nhỏ. Nhưng hiện nay, các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ có diện tích vẫn còn nhỏ, manh mún. Như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội) có hơn 37ha rau quả hữu cơ nhưng là diện tích của hơn 180 thành viên và hộ liên kết. Sản lượng rau khoảng 600 kg/ngày cũng không đủ để đáp ứng cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là tình trạng chung của nhiều chủ thể, HTX đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây chính là tình trạng chung khiến các đơn vị này khó tạo ra được lượng hàng hóa hữu cơ đủ lớn để các nhà kinh doanh thu mua và phục vụ thị trường bán lẻ.
Bên cạnh đó, các chứng nhận hữu cơ hiện nay, nhất là hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS có những quy định rất nghiêm ngặt, phạt dừng sản xuất 2-3 tháng, nếu HTX, hộ dân khắc phục được thì mới tiếp tục được sản xuất. Hoặc có những nông dân, hộ thành viên buộc phải ra ngoài hệ thống hữu cơ nếu vi phạm. Có lẽ đây cũng là lý do khiến nông sản hữu cơ bị thiếu trên thị trường.
Để những con số không bị viển vông
Với mong muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ và mang thực phẩm sạch đến cho nhiều người, đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch BigGreen cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu trong hai năm tới nâng số lượng nông sản hữu cơ lên 50% trong tổng số lượng thực phẩm tiêu thụ, riêng sản phẩm rau ăn lá hữu cơ nâng lên 90% trong 1 năm tới. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần khoảng 1 tấn rau hữu cơ mỗi ngày. Muốn vậy HTX, vùng trồng phải có tương đương 10ha rau hữu cơ được thu hoạch và cung cấp cho doanh nghiệp mỗi ngày.
Nhưng thực tế sản xuất hữu cơ tại HTX Lương Sơn (Hòa Bình) HTX Thanh Xuân (Hà Nội)… cho thấy khó khăn của các mô hình này là người tham gia ít. Các thành viên, hộ liên kết hiện nay phần lớn là phụ nữ và người từ 40-50 tuổi. Điều này cho thấy, nếu không đẩy mạnh đào tạo thế hệ trẻ thì trong tương lai, số người sản xuất và tham gia HTX hữu cơ sẽ khó phát triển và diện tích số lượng vùng nông sản hữu cơ cũng khó tăng lên.
Bà Mayu Ino, Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table, cho rằng tình trạng nhu cầu thu mua và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ sẽ ngày càng lớn vì người dân ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Nhưng thực trạng hiện nay những vùng nguyên liệu hữu cơ chưa nhiều và chưa đủ lớn.
Chính vì vậy, cần áp dụng đào tạo thế hệ trẻ, đưa nông nghiệp hữu cơ vào sâu các trường học ở các cấp. Hiện tại, Đồng Tháp đã xây dựng các mô hình trồng rau ở các trường học. Chỉ cần mỗi trường 500m2, có diện tích giao cụ thể cho mỗi lớp về trồng, chăm sóc, thu hoạch. Nguồn nông sản này sẽ được cung cấp, phục vụ chủ yếu cho giáo viên và phụ huynh.
Bên cạnh đó, để thu hút người dân tham gia mô hình HTX hữu cơ cần có quãng thời gian chuyển đổi từ sản xuất an toàn sang hữu cơ để giúp họ từng bước một áp dụng các quy định sản xuất thuận lợi. Nguyên nhân là người dân, thành viên một số vùng như lớn như Đồng Tháp, Long An… trồng cây ăn quả rất tốt, nhất là với diện tích lớn nhưng đi liền với sản xuất lớn là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Và trồng rau, củ hữu cơ lại không phải là thế mạnh của nhiều HTX, nông dân ở những vùng này.
Do đó, nếu chuyển thẳng từ sản xuất thông thường sang hữu cơ thì rất khó đảm bảo thu nhập cho người dân, thành viên HTX. Chính vì vậy, cần hỗ trợ người dân, HTX chuyển đổi từ từ, với chặng đường khoảng 3 năm để người dân, HTX hạn chế những sai sót trong chứng nhận hữu cơ cũng như nâng cao diện tích.
Ths nông nghiệp Nguyễn Tiến Hưng cho biết việc kết nối với các vùng trồng, HTX sản xuất hữu cơ rất khó vì sản xuất chưa theo quy hoạch, tập trung. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết hợp tác với các vùng, các HTX để cùng hỗ trợ họ sản xuất, giúp họ có định hướng rõ ràng để đồng hành cùng doanh nghiệp từ tìm kiếm diện tích, đáp ứng sản lượng đến chất lượng. Thậm chí doanh nghiệp phải thực hiện trả tiền ngay sau khi cân rau tại ruộng. Có như vậy mới tạo động lực để người dân, HTX phát triển diện tích hữu cơ và những con số mục tiêu doanh nghiệp đặt ra mới đạt được và không bị viển vông.
PGS.TS nông nghiệp Lê Văn Hưng cho biết tỷ lệ người quan tâm đến an toàn thực phẩm ngày càng nhiều. Nhà nước hiện nay ngoài quan tâm đến tiêu thụ nội địa cũng rất chú trọng đến xuất khẩu. Do đó, làm sao phải giúp người dân, HTX đang sản xuất từ những mảnh vườn nhỏ bé thành những cánh đồng hữu cơ đủ lớn để vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu. Theo PGS.TS Lê Văn Hưng, ngoài sự đồng hành của doanh nghiệp bao tiêu, đơn vị chứng nhận thì sự vào cuộc của địa phương cũng là điểm cộng để nông dân, HTX có được những thuận lợi trong tìm kiếm đất đai, mở rộng diện tích, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.
Huyền Trang