Thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng đang che phủ 42% diện tích đất của Việt Nam với hơn 14,8 triệu ha. Nhưng đến cuối năm 2023, cả nước mới có gần 500 nghìn ha rừng được cấp 2 loại chứng nhận FSC (Chứng chỉ rừng bền vững quốc tế) và VFCS (Chứng chỉ rừng bền vững của Việt Nam).
Nhiều "rào cản"
Trong khi đó, thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn về việc kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của gỗ. Cụ thể như EU cấm nhập khẩu những sản phẩm gỗ được trồng từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái. Điều này buộc các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà thua mua thắt chặt hơn các quy định mua hàng từ các nhà cung ứng.
Thị trường ngày càng khắt khe, nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp về gỗ và các sản phẩm được chứng nhận cũng rất lớn nhưng tại sao việc phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phát triển được trên diện tích rộng lớn?
Trả lời về vấn đề này, ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (Phú Yên), cho biết các chủ rừng còn thiếu kinh nghiệm sản xuất gỗ lớn. Họ cũng chưa tiếp cận được thông tin về các nguồn tài chính có thể giúp họ trang trải chi phí trong giai đoạn chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững. Chính vì vậy cần có nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích, thúc đẩy các chủ rừng chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững.
HTX trồng rừng gỗ lớn mang lại đa giá trị nhưng cần sự trợ lực từ Nhà nước, địa phương để tăng diện tích, nâng hiệu quả. |
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng việc trồng rừng gỗ lớn không thể tránh khỏi những rủi ro từ thiên tai, hỏa hoạn. Nhất là các HTX trồng rừng ở khu vực miền Trung khó thu hút người dân trồng rừng gỗ lớn vì trong thời gian 9-10 năm trồng rừng, khu vực này khó tránh khỏi những đợt thiên tai, bão lũ. Và nếu điều này xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, HTX.
Anh Nịnh Văn Lìn, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy (Tuyên Quang) cho biết để được hưởng một số chính sách hỗ trợ trong phát triển trồng rừng gỗ lớn, người dân phải có đất rừng được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, nếu địa phương không có chính sách, cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh hoặc xác nhận giúp họ là đất không tranh chấp, là đất sản xuất lâu dài thì những hộ đang trong thời gian chờ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể tham gia mô hình.
Bên cạnh đó, hiện nay tại địa phương vẫn còn tình trạng trong một diện tích rừng lại trồng không thống nhất một loại cây. Đây cũng là rào cản trong tiếp cận chính sách, chương trình phát triển lâm nghiệp của người dân, HTX.
Cần những "cú hích"
Theo TS Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển lâm nghiệp. Nhưng nhìn chung, việc đầu tư của Nhà nước vào phát triển lâm nghiệp, trong đó có trồng rừng gỗ lớn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi ích của rừng gỗ lớn mang lại. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp (hệ thống đường lâm nghiệp, công trình phòng cháy, chữa cháy rừng…) chưa được hỗ trợ đầu tư thỏa đáng, còn nhiều bất cập.
Hiện nay, phát triển trồng rừng gỗ lớn phần lớn đang tổ chức ở các địa phương vùng sâu vùng xa, những địa phương có đất dốc, điều kiện đi lại khó khăn nên chi phí sản xuất cũng tăng cao so với trồng cây nông nghiệp trên cùng địa bàn. Do đó, trồng rừng gỗ lớn vẫn được đánh giá là có rủi ro cao nên không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 200 HTX chuyên về lâm nghiệp, khoảng 2.293 HTX thương mại dịch vụ có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp như trồng rừng, quản lý rừng, khai thác chế biến, tiêu thụ lâm sản. Ngoài ra, cả nước còn có khoảng 320 tổ hợp tác lâm nghiệp, 15.000 tổ hợp tác có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp như khai thác, chế biến, tiêu thụ…
Để nâng cao diện tích rừng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và chống biến đổi khí hậu thì việc nâng số lượng tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp là điều cần thiết. Vì chỉ có HTX, tổ hợp tác lâm nghiệp mới liên kết được người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện các quy định, yêu cầu của quy trình trồng rừng gỗ lớn một cách đồng bộ và hiệu quả.
Nhằm thu hút người dân, HTX tham gia phát triển rừng gỗ lớn, TS Bùi Chính Nghĩa cho rằng việc nâng mức hỗ trợ cho đầu tư trồng rừng gỗ lớn để làm sao không quá thấp so với tổng chi phí đầu tư của chủ rừng là cần thiết. Các doanh nghiệp liên kết cũng cần có những cam kết chắc chắn để đồng hành với HTX khi chẳng may có rủi ro xảy ra, cũng như khi có những biến động về thị trường tiêu thụ như đảm bảo giá thu mua, hỗ trợ thu mua cả những cây bị gãy đổ, non…
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ về phát triển trồng rừng gỗ lớn đã được Nhà nước ban hành. Cụ thể như hỗ trợ 5 - 10 triệu đồng/ha cho trồng rừng sản xuất tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, hỗ trợ 8 triệu đồng/ha quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016…
Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn (Quảng Trị) Lê Phúc Nhật, các chính sách này vẫn còn khá xa vời đối với HTX. Chính vì vậy, rất cần sự hướng dẫn, tuyên truyền của địa phương để HTX thuận lợi tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Có thể nói, quyết tâm để chuyển đổi từ trồng cây gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn chính là cuộc cách mạng thay đổi từ tư duy đến hành động, từ làm ăn nhỏ sang làm ăn lớn cho nông dân. Điều này cũng giống như cách thu hút nông dân tham gia các HTX lâm nghiệp để thuận lợi liên kết với doanh nghiệp.
Chính vì vậy, chia sẻ tại Hội thảo “Trồng rừng gỗ lớn, quản lý và phát triển rừng, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững” diễn ra trong 2 ngày 21-22/5, TS Dương Ngọc Phước, Trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, các cấp, các ngành cùng các địa phương cũng cần nỗ lực duy trì và nhân rộng các mô hình HTX chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn thành công để làm minh chứng lợi ích thực tế rõ ràng, đồng thời đúc rút các kinh nghiệm, phương thức trồng rừng gỗ lớn hiệu quả để thu hút, tạo niềm tin cho người dân tham gia các HTX lâm nghiệp.
TS Dương Ngọc Phước lưu ý, sự chủ động của HTX đi liền với sự hỗ trợ của địa phương sẽ giúp việc tiếp cận các chính sách một cách thuận lợi, từ đó tạo điều kiện cho các HTX có thể huy động các nguồn vốn và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế.
Huyền Trang