HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (Kiên Giang) đã không thể vay được vốn từ ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh vì không có quyền sử dụng đất riêng. Chính vì vậy mà nhiều cơ hội phát triển sản xuất, liên kết của HTX đã bị vuột mất trong tiếc nuối của các thành viên.
Không có tài sản đảm bảo
Không hiếm HTX đang rơi vào hoàn cảnh tương tự như HTX Phú Hòa. Điều này được cho là hiện nay, các tổ chức tín dụng yêu cầu khi vay vốn, HTX phải có tài sản làm thế chấp. Trong khi tài sản thế chấp phần lớn hiện nay được hiểu là đất đai, bất động sản. Theo tính toán sơ bộ của các ngân hàng thương mại hiện nay, đất đai, bất động sản đang chiếm 60-65% trong tổng các tài sản thế chấp của người vay.
Điều này cho thấy, nhiều HTX nếu không có đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp) cho hay, HTX phát triển đa dịch vụ nên có nhiều máy móc ở các lĩnh vực khác nhau. Giá trị thực từ các loại tài sản này lên đến cả chục tỷ đồng nhưng khi lấy ra để thế chấp ngân hàng thì được trả lời là không thể thẩm định tài sản thực tế theo từng sản phẩm. Khi không thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các HTX khó mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, ngoài đất đai được biểu hiện thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất như nhà ở, nhà xưởng… thì thực tế vẫn còn một số loại quyền tài sản khác như động sản (có thể chuyển dịch cơ học như xe, máy móc…) được dùng để thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, việc có vay được vốn bằng động sản hay không còn phụ thuộc vào bộ phận kiểm định đánh giá của các ngân hàng.
Tính pháp lý về quyền tài sản cần được hoàn thiện để tạo điều kiện cho người dân, HTX phát huy sức sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. |
Ngoài ra, còn có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền thuê đất, thuê nhà… Tuy nhiên, ở Việt Nam, những quyền này hiện chưa được thừa nhận một cách cụ thể nên người dân, HTX bị hạn chế trong nhiều vấn đề, trong đó có việc tiếp cận vốn từ các tổ chức ngân hàng.
Chẳng hạn như hệ thống nhà kính, nhà màng của các HTX dù được đầu tư và có giá trị hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng đồng với các máy móc thiết bị công nghệ đi kèm như hệ thống tưới thông minh, hệ thống xử lý đất và nước thải, hệ thống lán - trại. Vậy nhưng tính pháp lý sở hữu của các tài sản này hiện vẫn chưa được công nhận.
Chính vì vậy mà các HTX không thể dùng hệ thống nhà kính để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong khi việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị này cũng chưa nhận được ưu đãi nào về mức thuế hoặc hỗ trợ kinh phí để khuyến khích HTX sử dụng các loại nhà kính đạt chuẩn.
Quyền tài sản chưa được quan tâm
Thực tế đã chứng minh, những nước nào có pháp lý bảo đảm quyền tài sản thì nước đó thường đạt được những hiệu quả về phát triển kinh tế xã hội. Ngược lại, quyền tài sản nếu không được bảo vệ và phát triển trong môi trường pháp lý phù hợp sẽ hạn chế cơ hội và sự sáng tạo của người dân, HTX trong việc khai thác giá trị của tài sản.
Chẳng hạn như Singapore, một trong những nước được đánh giá cao về mức độ bảo vệ quyền tài sản trong những năm qua. Quốc gia này còn có cơ chế rõ ràng cho quyền sở hữu trí tuệ nên người dân, doanh nghiệp có thể dùng loại tài sản này để tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng và đầu tư cho sản xuất kinh doanh một cách chuyên nghiệp.
Vậy nhưng đối với Việt Nam, các xếp hạng về quyền tài sản từ những tổ chức quốc tế đều ở vị trí rất thấp. Theo đánh giá Chỉ số Quyền tài sản quốc tế của Liên minh Quyền tài sản, trong 7 năm qua, chỉ số về quyền tài sản của Việt Nam xếp ở vị trí cao nhất là 77 và thấp nhất là 84, trên tổng số 129 nền kinh tế được xếp hạng.
Điều này cho thấy, chính sách pháp lý về quyền sở hữu tài sản của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện. Vấn đề này dẫn đến việc người dân, HTX, doanh nghiệp khi có nhu cầu sử dụng các quyền liên quan tới tài sản gặp rất nhiều rào cản, bất lợi.
Ngay như Nghị định 116/2018/NĐ-CP đã có những sửa đổi bổ sung về điều kiện vay vốn tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc ngân hàng cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là nhà kính, nhà màng, các máy móc thiết bị vẫn còn rất thấp và hạn chế vì họ chỉ coi đây là tài sản phụ, không phải tài sản chính để thế chấp.
Các ngân hàng cũng cho rằng người dân, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có thể thế chấp bằng các tài sản như nhà kính, máy móc thiết bị thì điều quan trọng nhất là các tài sản này phải được chứng nhận sở hữu. Trong khi, điều này ở Việt Nam vẫn chưa được hiện thực hóa.
Ngay như danh sách hay điều kiện đối với những đơn vị đủ tiêu chuẩn sản xuất và cung cấp sản phẩm nhà kính đạt chuẩn cũng chưa được quy định rõ, nên ngân hàng không có căn cứ để tính toán giá trị bảo hiểm và mức độ bồi thường trong trường hợp các HTX dùng nhà kính, máy móc thiết bị để thế chấp vay vốn.
Để tháo gỡ nút thắt này, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của người dân, HTX để thấy rõ được những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật quy định về tài sản, quyền tài sản, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật.
Đặc biệt, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) hiện có những quy định hỗ trợ đầu tư tài sản kết cấu hạ tầng, sau đó, HTX được dùng tài sản kết cấu hạ tầng này làm tài sản thế chấp để vay vốn. Tuy nhiên, theo các HTX, các cơ quan quản lý cần có cái nhìn khách quan và quy định rõ những tài sản nào đủ điều kiện làm tài sản vay vốn ngân hàng để tạo điều kiện cho HTX làm thủ tục hồ sơ vay vốn, tránh việc chính sách có nhưng không thể áp dụng trong thực tiễn hoặc bị các cơ quan thực thi bắt bẻ về câu chữ.
Huyền Trang