Hiện nay, huyện Chiêm Hóa đang quan tâm phát triển cây lạc gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Vụ lạc xuân năm 2019, huyện Chiêm Hóa trồng khoảng 1.900 ha, tập trung nhiều ở các xã như Phúc Sơn, Minh Quang, Hùng Mỹ, Tân Mỹ. Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng lạc như che phủ nilon, bón phân theo quy trình kỹ thuật nên năng suất lạc của huyện đạt 70 tạ/ha, sản lượng đạt 13.300 tấn, giá bán lạc tươi bình quân 11.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta trồng lạc lãi trên 50 triệu đồng.
Nâng cao ATLĐ
Là đơn vị giữ vai trò chủ lực trong việc bao tiêu sản phẩm lạc cho người trồng lạc trong vùng, HTX nông lâm nghiệp Phúc Sơn đã sở hữu nhãn hiệu lạc Chiêm Hóa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Để mở rộng thị trường, HTX đã thành lập thêm một tổ hợp tác (THT) nằm trong HTX, tổ chức thu mua lạc sấy khô và cung cấp cho người tiêu dùng tại một số tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng…
Trồng lạc bằng phương pháp che phủ bạt linon |
Các hộ thành viên trong THT, HTX sẽ thực hiện theo quy trình chung từ mua vật tư, phân bón đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường… tạo thành một chuỗi liên kết, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa thuận tiện trong việc giám sát quy trình canh tác. Để nâng cao năng suất lao động, gia tăng chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị máy móc, đồng thời giảm công lao động, nâng cao an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên, người nông dân trong quá trình sản xuất.
Huyện Chiêm Hóa cũng triển khai thí điểm 45 ha tại 4 xã Yên Nguyên, Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang trồng lạc che phủ nilon vào vụ đông năm 2018. Kết quả cho thấy trồng lạc che phủ nilon có nhiều ưu điểm: Cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, hạn chế cỏ dại, đảm bảo giữ ẩm, giữ ấm về mùa đông đồng thời giảm được công chăm sóc.
Phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; lạc trồng theo mô hình này rút ngắn được thời gian sinh trưởng 10 - 15 ngày, trong khi năng suất cao hơn khoảng 6 tạ/ha. Từ hiệu quả mang lại, vụ xuân 2019 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã nhân rộng lên 132,4 ha lạc trồng theo phương pháp che phủ nilon tại 11 xã. Kinh phí đầu tư bạt che phủ được huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Hướng tới OCOP
Nhằm từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm, huyện Chiêm Hóa đã xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm lạc trở thành sản phẩm OCOP trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Để thực hiện chương trình, huyện đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn người dân đưa những giống lạc mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Vụ lạc năm 2019, đa số diện tích lạc của huyện sử dụng giống L14 là giống cho năng suất cao và sức kháng chịu sâu bệnh tốt.
Bên cạnh đó, để hạn chế ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đến cây trồng, vụ đông năm 2019, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt và triển khai thực hiện phương pháp trồng lạc che phủ nilon; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về cách trồng, chăm sóc cây lạc đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật, ATLĐ cho người trồng.
Thời gian tới, huyện xác định triển khai nhiều giải pháp tập trung, đồng bộ nhằm tiếp tục xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng nhãn hiệu tập thể lạc Chiêm Hóa. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng lạc trên địa bàn nâng lên 3.000 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn.
Song song với đó, huyện Chiêm Hóa đang thực hiện chương trình phục tráng giống lạc. Giống lạc được lựa chọn là giống gốc, năng suất cao, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà và phát huy lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu bền vững cho sản phẩm lạc của tỉnh nói chung và của huyện Chiêm Hóa nói riêng.
Hoàng Lê