Mới đây, tại buổi họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu của ngành nông nghiệp là tiếp cận dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.
Một xu hướng tất yếu
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…
Đồng thời, hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp cũng cần hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Hòa chung với những nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, không ít HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn cả nước cũng đang thực hiện nhiều giải pháp và đạt được những thành công tích cực.
Điển hình, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, kể từ năm 2016 đến nay, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã đẩy mạnh vai trò của HTX nhằm nhân rộng các mô hình rau củ quả theo hướng VietGAP, thân thiện với môi trường, chú trọng xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm vươn xa.
Kết quả, đến nay, huyện xây dựng thành công trên 800 ha chuyên canh các loại rau củ quả. Trong đó, trên 100 ha nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đủ điều kiện phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất sạch theo tiêu chuẩn quốc tế là cách để HTX tiếp cận xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu. |
HTX Rau, củ, quả sạch xã Gia Cát là một trong những đơn vị sản xuất tiêu biểu, đạt được nhiều thành công ấn tượng trên địa bàn huyện Cao Lộc. Từ năm 2017 đến nay, 100% các loại rau củ quả của thành viên HTX được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và hữu cơ.
Được biết, hướng đến sản xuất sạch, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc đã phối hợp với các HTX, doanh nghiệp, cùng nhiều đơn vị liên quan tổ chức hàng chục buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt các loại rau củ quả cũng như ghi chép toàn bộ quá trình canh tác, sản xuất cho nông dân.
Tương tự, ở TP. Tam Điệp (Ninh Bình), thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân phát triển sản xuất lớn theo hướng liên kết, hình thành các chuỗi giá trị.
Điển hình, HTX bưởi da xanh Tam Điệp, xã Đông Sơn, được thành lập vào năm 2019, là tập hợp các hộ sản xuất có nhu cầu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật và hướng tới xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Tam Điệp.
Để nâng cao hiệu quả, các thành viên HTX đã chủ động tham gia các khóa tập huấn, nắm chắc kỹ thuật sản xuất VietGAP, hữu cơ, giúp năng suất, chất lượng quả bưởi của đơn vị ngày càng được nâng lên.
Thay đổi để thành công
Trong thời kỳ hội nhập, các HTX nông nghiệp trên địa bàn cả nước đang hòa nhịp rất nhanh với xu thế tiêu dùng xanh. Các HTX đang nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ khoa học, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những mô hình sản xuất xanh của HTX đang từng bước khắc phục điểm yếu cố hữu của sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho thành viên, nông dân liên kết.
Theo các chuyên gia, việc các HTX đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, chú trọng sản xuất xanh là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển vì họ luôn đề cao sức khỏe người tiêu dùng và tính bền vững của môi trường.
Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống" văn minh, xanh, đẹp.
Với sức ảnh hưởng của mình, các HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn cả nước hoàn toàn có thể có những đóng góp tích cực vào mục tiêu chung. Tuy nhiên, để nâng cao vai trò, bên cạnh sự nỗ lực của từng đơn vị, các HTX rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý và địa phương trong việc tiếp cận dòng vốn, đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm…
Có thể thấy, nông nghiệp truyền thống vì mục tiêu duy nhất là sản lượng. Nông nghiệp hiện đại hướng tới vừa đạt mục tiêu sản lượng và đạt mục tiêu còn quan trọng hơn là chất lượng, tức chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".
Vì vậy, trong thời gian tới, để lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả hơn, các địa phương cần tạo thêm cơ chế, giúp các HTX hoàn thành mục tiêu tăng lợi nhuận cho thành viên, giảm chi phí, đồng thời nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng nền nông nghiệp "xanh - sinh thái - bền vững".
Nhật Minh