Gia Cát đang là một trong những vùng rau chủ lực trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn với hơn 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đang phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Xuất hiện nhiều điểm sáng
Nhờ phát huy tốt những thế mạnh của địa phương, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát nổi nên như một điểm sáng trong phát triển sản xuất sạch, mang lại hiệu quả vượt trội, tạo nhiều việc làm trên địa bàn xã.
Giám đốc Hoàng Văn Thuận cho hay HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…
Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Điểm nổi bật của công nghệ tưới tiết kiệm chính là tiết kiệm nước 30 - 40% so với hình thức tưới thông thường.
Theo Giám đốc Hoàng Văn Thuận, ứng dụng công nghệ cao giúp HTX tiết kiệm 2/3 lượng nước tưới, giảm hơn 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản xuất an toàn sinh thái, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao là chìa khóa giúp HTX Gia Cát tăng trưởng ổn định bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, duy trì mức lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, đảm bảo thu nhập cho thành viên, hộ liên kết.
Tương tự, ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sang đang phát triển mô hình sản xuất đa canh. 100% diện tích gieo trồng bắp cải, cà chua, su hào, cải thảo, dâu tây… của HTX đang áp dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cần thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để các HTX phát huy vai trò cầu nối, liên kết nông dân nâng tầm sản xuất. |
Ông Vì Văn Tùng, Giám đốc HTX, cho biết: “Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm của HTX có chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng tin tưởng nên làm ra đến đâu bán hết đến đó. HTX đang hướng tới hiện đại hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm các thị trường cao cấp hơn”.
Đang có nhiều bước tiến tích cực, tuy nhiên quá trình nâng tầm sản xuất của các HTX còn không ít những khó khăn cần tháo gỡ. Đầu tiên là về vốn sản xuất. Giám đốc HTX Vì Văn Tùng cho hay để tiếp tục mở rộng sản xuất, hợp tác xã đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư.
“Hiện đang có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay lãi suất ưu đãi còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý, địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các gói tài chính lãi suất thấp để mở rộng sản xuất”, ông Tùng nói.
Cần thêm các lực đẩy
Bên cạnh những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, các HTX nông nghiệp hiện cũng đang đối mặt với cơn “bão” giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, phân bón.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết hiện đơn vị đang là một trong những điển hình trong chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, tổng đàn hơn 3.000 lợn nái và 1.700 lợn thịt, doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng/năm.
Hoạt động quy mô lớn, có tiềm lực mạnh, song trong thời kỳ phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc giá vật tư, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu… tăng phi mã cũng khiến HTX gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo và gia tăng lợi nhuận cho thành viên, nông dân liên kết.
Cùng với khó khăn về vốn, chi phí tăng vọt, các vấn đề về tiêu thụ, liên kết, đào tạo nghề… cũng đang là trở ngại lớn của ngành nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế hợp tác, HTX nói riêng. Theo đó, trong thời gian tới các HTX cần thêm các cú hích về cơ chế, chính sách để nâng tầm sản xuất.
Thực tế, trong những năm qua, vấn đề nông nghiệp, nông dân luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, với hàng loạt chính sách thiết thực về đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, giải quyết việc làm, chuyển đổi công nghệ thông tin, cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng lớn…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tạo bước đột phá, các HTX cần thêm nhiều chính sách đúng và trúng hơn, hướng tới việc thay đổi căn bản về bản chất sản xuất, chuyển từ sản xuất tự do, manh mún sang chuỗi giá trị, có liên kết, hòa chung vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đơn cử, trong việc xử lý “khủng hoảng” giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao, hai Bộ Nông nghiệp và Công Thương cần có thêm nhiều biện pháp siết chặt quản lý thị trường, từ đó ngăn chặn tình trạng "té nước theo mưa", đảm bảo quyền lợi cho nông dân.
Song, bên cạnh các cơ chế, chính sách của nhà nước, bản thân các HTX, nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất. Trong đó, các đơn vị cần có một cuộc “cách mạng” trong chuyển đổi tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học.
Có thể thấy, việc chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng để làm được điều này, cần sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là sự nỗ lực của các HTX, người nông dân.
Nhật Minh