HTX Biên Cương mới đi vào hoạt động được 2 năm và tập trung vào các hoạt động như: thu mua, chế biến chè cổ thụ và ươm cây giống dược liệu.
Bứt phá trong sản xuất
Theo các thành viên, Mồ Sì Sàn vốn có những cây chè cổ thụ nhưng người dân vẫn chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Chè chỉ dừng lại là thức uống bình dân nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực trạng này, HTX Biên Cương đã đầu tư gần 800 triệu đồng mua 4 máy sao, 2 máy vò, 1 máy sấy và đứng ra thu mua chè của người dân về chế biến.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, HTX kết hợp cùng ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân cách trồng chăm sóc, thu hái và trồng mới.
HTX tổ chức cho nhân dân đăng ký thu hái chè cổ thụ trên rừng. Hộ gia đình nào đăng ký đầy đủ, sản phẩm chè búp tươi đúng 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, không dập nát, không ôi, HTX mua với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Ngược lại, nếu hộ gia đình không đăng ký, chất lượng chè kém sẽ mua với giá thấp hơn.
HTX đưa sản phẩm tham gia hội chợ nông sản để mở rộng thị trường. |
Nếu như những ngày đầu, HTX gặp không ít khó khăn do kỹ thuật thu hái của bà con còn hạn chế, bảo quản sản phẩm sau thu hái chưa đúng quy trình nhưng bằng sự cố gắng của các thành viên, năm 2019 HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh trên 2 tạ chè khô, giá bán trung bình 2 triệu đồng/kg, thu về gần 400 triệu đồng. Dù năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong 8 tháng năm 2020, HTX sản xuất ra 6 tạ chè khô và bán được 1/3 trong số này.
Hoạt động sản xuất của HTX tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương 4,5 - 8 triệu đồng/người/tháng và dự định sẽ tiếp tục tăng khi mở rộng quy mô.
Hiện, HTX có 4 mặt hàng: bạch trà, trà xanh, hồng trà, hoàng trà đều được người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn. Điều quan trọng các loại chè mọc và sản xuất tự nhiên trên rừng, ở những nơi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ nên có hương vị đặc trưng mà khó có sản phẩm nào "đánh đồng" được.
Góp phần bảo vệ môi trường
Chè được sản xuất bằng các loại máy dùng điện, mặc định nhiệt độ phù hợp khi sao, sấy, cho sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng đảm bảo. Sản phẩm hoàn chỉnh là những búp chè khô còn nguyên vẹn, không bị đứt gãy, dập nát, đầu búp cong đẹp mắt. Mùi thơm của chè nhẹ nhàng, màu nước bắt mắt, tạo cho người thưởng thức ấn tượng khó quên. Điều này khác hẳn tình trạng chế biến chè thủ công vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Theo ban giám đốc HTX, do quá trình chế biến thủ công phải dùng củi nên gây tình trạng khói bụi làm ô nhiễm môi trường. Chè cũng bị ám khói nên uống không ngon và khó bảo quản.
Đặc biệt, việc sản xuất thủ công đã dẫn đến tình trạng người dân lên rừng chặt củi trong thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường.
Tuy nhiên từ khi đi vào hoạt động, HTX luôn quan tâm tuyên truyền vai trò của chè cổ thụ đối với bảo vệ môi trường, bảo vệ biên giới, hiệu quả kinh tế chè cổ thụ mang lại. Các thành viên vận động nhân dân không khai thác chè ồ ạt mà khai thác theo hướng bền vững gắn với công tác bảo vệ, giữ gìn thông qua việc không chặt cây, đốn cành bừa bãi.
Trồng và bảo vệ những cây chè cổ thụ góp phần bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. |
Đến nay, người dân đã hiểu rằng muốn nâng cao thu nhập phải kết hợp sản xuất chè đi đôi với bảo vệ rừng. Mọi người đã có ý thức bảo tồn, nhân rộng để đưa chè cổ thụ trở thành thế mạnh kinh tế địa phương.
Hiện, HTX đẩy mạnh liên kết cùng doanh nghiệp hỗ trợ người dân trồng thêm những giống chè như MSS79 và bạch chè để gây dựng và bảo tồn giống chè cổ thụ quý hiếm này. Đây cũng là một trong những nỗ lực phủ xanh đất trống đồi núi trọc của xã.
Ông Phan Mạnh Thiết, thành viên HTX Biên Cương, chia sẻ ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, vấn đề quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và chủ quyền biên giới được nâng lên rõ rệt.
Năm 2020, HTX phấn đấu sản xuất trên 1 tấn chè khô, năm 2021 sản xuất ra 2 tấn chè khô và tiếp tục tham gia các hội thảo, hội chợ để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Để đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, bắt kịp xu thế phát triển, tình hình thực tế địa phương. HTX Biên Cương mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của địa phương và ngành điện lực trong việc nâng công suất điện để xưởng sản xuất chè cổ được hoạt động ổn định. Đây cũng là điều kiện để HTX tiếp tục mở cơ sở chế biến chè cổ thụ thứ 2 ở xã Sì Lở Lầu.
Huyền Trang