Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đánh giá, với việc chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp giảm nghèo bền vững.
“Lực đẩy” giảm nghèo từ HTX đa dịch vụ
Nhiều HTX thực hiện có hiệu quả việc cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KH -KT vào sản xuất..., tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động
HTX nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ nâng cao thu nhập thành viên. |
Ngoài ra, một số HTX đã tích cực mở rộng sang các ngành nghề dịch vụ phi nông nghiệp như: vệ sinh môi trường, tín dụng nội bộ, sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Đặc biệt nhiều HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ bền vững.
“Việc đa dạng hóa ngành nghề nông thôn của các HTX không chỉ tạo điều kiện cho thành viên nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”, ông Tô Đức nhấn mạnh.
HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) là một điển hình. Trước đây, HTX chủ yếu cung ứng các dịch vụ nông nghiệp như phân bón, giống, thủy lợi... cho bà con thành viên. Ngoài những ngành nghề cũ truyền thống, HTX đã mạnh dạn đưa thêm những ngành nghề mới vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên.
Ông Nguyễn Công Hiển, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Thành cho biết, hiện nay HTX hoạt động theo hướng đa ngành nghề với 15 dịch vụ thuộc lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp như cung ứng giống, phân bón, thủy nông, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống; lĩnh vực phi nông nghiệp gồm cấp nước sạch, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, điện năng, tín dụng nội bộ, xây dựng cơ bản…
Để hoạt động dịch vụ phát huy hiệu quả cao nhất, HTX đã phối hợp chặt chẽ với ban nông nghiệp xã Minh Thành trong nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như thâm canh lúa, cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng mô hình... mang lại năng suất và hiệu quả cao.
Đến nay, HTX đã huy động khoảng 300 thành viên tham gia quỹ tín dụng nội bộ, giúp bà con giải quyết nguồn vốn, phát triển kinh tế. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn mua sắm phương tiện vận chuyển sản phẩm, thiết bị bảo quản sản phẩm, liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ổn định, nâng cao đời sống cho thành viên, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
“Sau chưa đầy 2 năm, số thành viên của HTX đã tăng mạnh theo cấp số nhân, lên đến con số gần 700 người. Đời sống của thành viên HTX được nâng cao rõ rệt, kể từ đó HTX nhanh chóng trở thành địa chỉ đáng tin cậy của hàng nghìn hộ nông dân địa phương”, ông Nguyễn Công Hiển chia sẻ.
Giúp thành viên vươn lên thoát nghèo
Với phương châm lấy lợi ích phục vụ các thành viên làm mục tiêu phấn đấu, trong những năm qua, HTX Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được đánh giá là một trong những “cánh chim đầu đàn” của phong trào phát triển kinh tế hợp tác tỉnh Quảng Trị. HTX đang có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp xấp xỉ 500 ha, trong đó trồng lúa hơn 300 ha, còn lại đất màu và đất ao hồ.
Nhiều HTX đã và đang hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và nhân dân ở địa phương |
Hiện, HTX đã tổ chức hiệu quả 14 khâu dịch vụ cho thành viên, hộ nông dân liên kết, với nhiều loại hình dịch vụ điểm như tổ chức hướng dẫn mùa vụ, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, khuyến nông, vệ sinh môi trường, thủy nông, giao thông nội đồng, vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ...
Trong các dịch vụ điểm của HTX, tín dụng nội bộ đang là dịch vụ hiệu quả nhất, mở ra những cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu cho thành viên.
Từ những nguồn vốn hỗ trợ của HTX, trên địa bàn đã xây dựng được một mô hình trang trại chăn nuôi theo công nghệ cao với quy mô hàng chục ngàn con gà mỗi lứa, hai mô hình dịch vụ máy gặt liên hoàn và hàng chục mô hình sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa khác.
Nhờ hoạt động hiệu quả, doanh thu của HTX mỗi năm đạt 5,5 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 250 - 300 triệu đồng. HTX đang trở thành “bà đỡ” kinh tế hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Đình Thăng – Phó Giám đốc HTX, cho hay: “Các khâu dịch vụ được tổ chức hiệu quả đã hỗ trợ tối đa, kịp thời các hoạt động sản xuất của hộ thành viên. Qua đó, hiệu quả của quá trình trồng trọt, chăn nuôi được nâng lên, ổn định hơn, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ khá giàu tăng lên”.
Sự chủ động của HTX trong liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn để cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, thu mua chế biến nông sản... cho nông dân cũng là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Chị Đoàn Thị Hồng, thành viên của HTX, chia sẻ: “Khi thành lập trang trại, tôi được HTX cho vay ưu đãi 700 triệu đồng, sau đó được hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, đầu ra, giúp việc chăn nuôi diễn ra thuận lợi, hiệu quả”.
Đến nay, trang trại của chị Hồng đang hoạt động ổn định, quy mô bình quân trên 8.000 con gà mỗi lứa, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu mỗi năm.
“Để có được thành công hiện tại, chìa khóa quan trọng nhất của HTX là hỗ trợ cho các thành viên về vốn sản xuất, hoàn thiện khâu chăm sóc vật nuôi, cây trồng và mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Đình Thăng nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, từ đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nhiều HTX đã và đang hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và nhân dân ở địa phương, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Kim Yến