Khó khăn chồng chất khó khăn
Bà Phạm Thị Nhài, Giám đốc HTX dệt Bình Định (xóm An Bình, Xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) cho biết, từ sau Tết đến nay, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì HTX gặp rất nhiều khó khăn. “Đơn hàng không có, người lao động không có việc làm nên thu nhập không có, kéo theo các hoạt động bị đình trệ. Chúng tôi mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc để các HTX nói riêng, toàn xã hội nói chung bắt tay vào công việc để ổn định việc làm, ổn định thu nhập, tránh bị xáo trộn”.
Các HTX dệt tại Nam Định phải hạn chế lao động vì không có đơn hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Khó khăn không kém là các HTX vận tải. Bởi đến thời điểm này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế phương tiện công cộng, phương tiện vận chuyển đông người từ Hà Nội, TP.HCM đi các tỉnh và ngược lại để kiểm soát và hạn chế lây lan dịch Covid-19 nên hầu hết các phương tiện vận tải khách đều phải ngừng hoạt động.
Giám đốc HTX Vận tải đường bộ Quỹ Nhất (xóm 2 thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng), ông Đinh Anh Văn cho biết: “HTX của chúng tôi phải vay vốn ngân hàng để mua phương tiện phục vụ hành khách công cộng từ Nam Định lên Hà Nội. Trước đây khi chưa có dịch, HTX dù có gặp khó khăn do phải cạnh tranh với hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp và nhà xe tư nhân nhưng vẫn túc tắc và có lãi để duy trì hoạt động.
Từ sau Tết, lượng hành khách đi lại vốn đã ít, nay dịch bệnh bùng phát càng ít người tham gia giao thông bằng các phương tiện vận tải công cộng. Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Giao thông Vận tải áp lệnh hạn chế xe khách chống dịch Covid – 19, thời gian bắt đầu từ ngày 30/3 tới hết ngày 15/4 , các HTX vận tải hành khách phải ngừng hoạt động. Xe không khai thác, lãi ngân hàng vẫn phát sinh, tiền lương cho người lao động vẫn phải chi trả, tiền bến bãi, điểm đậu đỗ xe dù không hoạt động nhưng vẫn phải thanh toán... khiến cho HTX khó chồng thêm khó”.
Tháo gỡ bằng cách nào?
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho thấy, toàn tỉnh hiện có 449 HTX với 332.647 thành viên và 4.152 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài 346 HTX nông nghiệp với 288 HTX chuyên ngành trồng trọt; 6 HTX diêm nghiệp; 17 HTX thủy sản; 11 HTX chăn nuôi; 22 HTX tổng hợp, Nam Định còn có 18 HTX giao thông vận tải, 22 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX thương mại, 1 HTX xây dựng, 2 HTX dịch vụ du lịch, 4 HTX dịch vụ môi trường, 12 HTX khác. Đáng chú ý, dù gặp phải dịch Covid – 19, nhưng trong quý I/2020, tỉnh Nam Định đã có 4 HTX thành lập mới, 5 HTX tham gia vào chuỗi giá trị, nâng tổng số 53 HTX trên toàn tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị.
Bến xe vắng khách mùa dịch khiến các HTX vận tải hành khách rơi vào khó khăn chồng chất |
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Nam Định, từ cuối năm 2019 đổ về trước, nhiều HTX sản xuất, kinh doanh có lãi, vốn quỹ được bảo toàn và từng bước tăng trưởng. Doanh thu bình quân đạt gần 2 tỷ đồng/HTX, lãi trung bình đạt 50 triệu đồng/HTX/năm, đảm bảo thu nhập cho người lao động trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hầu như tất cả các HTX trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn. Khó khăn nhất phải kể đến là các HTX dệt may vì không có đơn hàng, trong khi lượng hàng hoá tồn đọng từ trước Tết đến nay chưa biết khi nào mới tiêu thụ được. Tiếp theo là các HTX giao thông vận tải đã cơ bản ngừng hoạt động theo tinh thần ngăn chặn dịch bệnh mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Các HTX nông nghiệp, trong đó có các HTX thuỷ sản cũng gặp vô vàn khó khăn khi hàng hoá nông sản không không thể xuất bán. Dịch bệnh Covid – 19 đã làm cho những khó khăn cố hữu của các HTX như: thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu nhân lực trẻ có trình độ; thiếu đất làm trụ sở, văn phòng; chưa chủ động trong liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trở nên khó khăn gấp bội.
Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Nam Định kiến nghị: “Để các HTX vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid – 19 này, chúng tôi đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay, giãn thanh toán lãi và tiến độ trả gốc vay Quỹ hỗ trợ. Sau dịch cần hỗ trợ các HTX để tái sản xuất. Có như vậy mới có thể giúp các HTX phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
Phạm Duy