Sau một thời gian tự mày mò trên Facebook, lên mạng tìm hiểu cũng như nhận được sự tư vấn của doanh nghiệp liên kết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Ái Nghĩa (Quảng Nam), ông Trương Cẩm, cho biết nếu để HTX “tự lo” thì việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ rất khó khăn và không toàn diện, không hiệu quả vì thành viên HTX đã lớn tuổi, ít được tiếp xúc với công nghệ, máy móc. Trong khi nhiều ứng dụng, công nghệ hiện nay lại có hướng dẫn bằng tiếng Anh.
Chuyển đổi số còn khó khăn
Theo bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Suối Giàng (Yên Bái), sản xuất kinh doanh ở vùng miền núi nên việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là cả một quá trình đối với HTX. Chẳng hạn như việc đầu tư phần mềm quản lý bán hàng cũng đòi hỏi phải có đơn vị giới thiệu, hỗ trợ. Đi liền với đó là HTX phải bỏ một phần chi phí vài triệu đồng/năm để duy trì. Tuy nhiên, với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, nhu cầu chuyển đổi số của HTX cần mở mức cao hơn, chuyên nghiệp hơn.
“Chúng tôi rất cần có một phần mềm quản lý chung, tích hợp nhiều hạng mục, từ quản lý vùng nguyên liệu, quản lý nhân sự cho đến thanh toán, quyết toán, bán hàng… để có sự đồng bộ và hoàn thiện chuỗi. Tuy nhiên, việc này một mình HTX không thể làm được mà cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các cấp ngành, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp…”, bà Thoa nói.
Có thể thấy, trong xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số. Thực chất, đã có nhiều HTX mạnh dạn chuyển đổi số và đạt được những thành công nhất định trong sản xuất kinh doanh, giúp các HTX vượt qua những khó khăn do dịch bệnh xảy ra.
Để HTX chuyển đổi số thành công, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. |
Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết và trở thành xu hướng trong sản xuất kinh doanh hiện nay nhưng thực tế, không ít HTX vẫn gặp những rào cản nhất định trong chuyển đổi số. Cụ thể như HTX Ai Nghĩa, hay HTX Suối Giàng, nhân lực là một trong những khó khăn. Ngoài ra, còn những khó khăn mà rất nhiều HTX chia sẻ là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao trong khi một phần cũng do tác động của đại dịch Covid-19 khiến các HTX gặp nhiều khó khăn, sụt giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp chuyển đổi số.
Rào cản tiếp theo với HTX là thay đổi thói quen, tập quán sản xuất kinh doanh. Một số HTX tuy đã ứng dụng phần mềm trong sản xuất nhưng chỉ ứng dụng một phần nào đó của quy trình, hoặc chỉ một vài thành viên ứng dụng khiến mục tiêu chuyển đổi số của HTX không đạt được. Khó khăn này thường gặp ở những HTX quy mô nhỏ, cán bộ quản lý lớn tuổi.
Ngoài ra, các HTX còn gặp khó khăn do thiếu nhân lực để ứng dụng công nghệ, thiếu hạ tầng, thiếu thông tin về công nghệ số.
Khảo sát ở HTX tại 9 tỉnh, thuộc 3 miền trên cả nước về thực trạng ứng dụng kinh tế chia sẻ vào HTX nông nghiệp do TS Đỗ Hữu Hải (Đại học Kinh tế Quốc dân) thực hiện năm 2021 cho thấy: có gần 6% HTX tham gia khảo sát trả lời không biết sử dụng công nghệ thông tin như soạn thảo văn bản, sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh. 47,5% trả lời biết nhưng không thành thạo, và chỉ có 6,5% HTX trả lời là sử dụng rất thành tạo.
Có thể thấy việc thực hiện chuyển đổi số đối với các HTX là vấn đề không hề đơn giản vì đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện ứng dụng công nghệ nhằm tạo thêm những giá trị gia tăng, mà việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ phải phù hợp với từng loại cây trồng theo từng vùng, từng mùa vụ và từng ngành nghề.
Các chuyên gia cũng cho rằng chuyển đổi số cho hàng nghìn HTX không phải là vấn đề đơn giản, bởi thành viên HTX vốn là những người nông dân đang thiếu kiến thức, thiếu nền tảng, thiết bị công nghệ, thiếu vốn và ngại thay đổi.
HTX cần sự hỗ trợ
Do vậy, làm sao để việc ứng dụng công nghệ số của HTX tới đây sẽ thuận lợi hơn, qua đó giúp gia tăng giá trị cho HTX cũng như từng thành viên là điều cần có sự đồng hành từ nhiều phía.
Tại chương trình chuyên đề “Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Liên minh HTX TP.HCM tổ chức ngày 8/7, các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ số của HTX tới đây sẽ thuận lợi hơn, qua đó giúp gia tăng giá trị cho HTX cũng như từng thành viên.
Th.S Phạm Thị Phương Loan, Trường Cán bộ Quản lý Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn II, cho biết để hạn chế những khó khăn và đưa chuyển đổi số trong các HTX thành công, năng lực của cán bộ quản lý và thành viên HTX là một trong những điều kiện quan trọng.
Để làm được điều này, HTX có thể liên kết với các trường để tăng cường sử dụng nhân lực trẻ trong các vị trí quản lý. Họ là những người có trình độ cao, nhanh nhạy với thị trường và khả năng tiếp cận công nghệ tốt. Ngoài ra, cán bộ quản lý HTX cần có ý thức tự học hỏi, nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, các công nghệ có thể áp dụng trong hoạt động của HTX. Sau đó, cán bộ quản lý là lực lượng nòng cốt để thực hiện tuyên truyền lợi ích của áp dụng công nghệ thông tin và số hóa trong các hoạt động sản xuất kinh doanh đến từng thành viên.
Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc HTX Vận tải số 15 (TP.HCM) cho biết tuy hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải nhưng nếu không chuyển đổi số, HTX sẽ khó có thể vượt qua được những khó khăn về tổ chức.
Đến nay, HTX Vận tải số 15 đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thu hút được người có chuyên môn về làm việc lâu dài. Ngoài kiểm soát hành trình dừng, đỗ đúng trạm…, nhờ công nghệ thông tin, hành khách không còn lo trễ chuyến hay nạn móc túi trên xe...
Tuy nhiên, để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ một phần tài chính cho các HTX thu hút nhân lực có trình độ cao về làm việc. Việc tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot,… cũng là điều hết sức cần thiết lúc này nhằm thay đổi tư duy cho các thành viên HTX.
Đi cùng với đó là đẩy mạnh tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ áp dụng công nghệ thông tin và năng lực chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và thành viên HTX là điều cần thiết nhưng cần mang tính mô phạm thì người dân, thành viên HTX mới ứng dụng hiệu quả.
Nội dung đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cần bám sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, từng ngành, từng đối tượng tham gia. Đi liền với đó là tổ chức các hoạt động tham quan, học tập mô hình chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, HTX,… để người dân, thành viên HTX dễ ứng dụng.
Có thể thấy, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức, nhưng đây chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Khi HTX chuyển đổi số thành công cũng đồng nghĩa với việc khẳng định vị thế, vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường.
Huyền Trang