Tại Tọa đàm “Cách xin phép farmstay theo hướng sử dụng đất kết hợp đa mục đích”, các chuyên gia cho rằng, điểm b, Khoản 2, Điều 99 của Nghị định 102/2024/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có viết: “Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích”. Điều này cần được các HTX, đơn vị làm du lịch nông nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để có hương đầu tư phù hợp bởi con số trên là tương đối rủi ro.
Không nên xây dựng tràn lan
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp, cho biết quy định trên có nghĩa là diện tích xây dựng nhà ở, công trình không được quá 50% diện tích đất nông nghiệp. Chẳng hạn như HTX có 1ha (10.000m2) đất nông nghiệp, trong đó 50% đất sử dụng với mục đích khác (thương mại, đất năng lượng...)
Điều này, theo ông Phạm Thanh Tùng, nếu không hiểu cặn kẽ dễ dẫn đến những khó khăn, vướng mắc. Vì trước đây, toàn bộ diện tích của HTX là đất nông nghiệp nhưng nay, theo điểm b, Khoản 2, Điều 99 của Nghị định 102/2024/ NĐ-CP, 50% diện tích đất còn lại sử dụng vào mục đích khác.
Nếu thực hiện theo con số này, một thực tế sẽ diễn ra đó là cơ cấu cây trồng của địa phương cũng bị thay đổi một cách đáng kể. Điều này có thể dẫn đến tình trạng như không bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tác động tiêu cực đến kinh tế nông nghiệp, sản xuất không phù hợp với thực tiễn địa phương...
Đầu tư xây dựng công trình trên đất nông nghiệp cần tính toán đến yếu tố bền vững, dễ dàng tháo dỡ. |
Do đó, HTX khi làm du lịch nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì không nên chuyển đổi, xây dựng các công trình không đảm bảo cảnh quan. Thay vào đó, HTX nên làm từ từ, dù có làm công trình trên đất nông nghiệp nhưng phải có gu, tiết kiệm đất, không xây dựng tràn lan dù luật có cho phép sử dụng 50% diện tích đất là đa mục đích.
Bởi ngay điểm c, khoản 2, điều 99, Nghị định 102/2024/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về công trình trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục định phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Hay đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước.
Những quy định này đồng nghĩa với việc mục tiêu mà cơ quan quản lý nhà nước muốn hướng đến phát triển mô hình du lịch nông nghiệp là không đề cao việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch trên đất nông nghiệp bằng bê tông cốt thép vì khó tháo dỡ, khó khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất nông nghiệp. Trong khi Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, việc sản xuất lúa để bảo đảm an ninh lương thực, phát triển kinh tế vẫn rất được quan tâm, coi trọng.
“Chạm nhẹ vào đất” để đi đúng pháp luật
Đặc biệt, điều 99, Nghị định 102/2024/NĐ-CP cũng ghi rõ, việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Điều này có nghĩa, các công trình xây dựng phải là công trình lắp ghép, làm bằng vật liệu thiên nhiên như tre, gỗ, đá, hay bằng các khối bê tông đúc sẵn đề đảm bảo không tác động quá nhiều vào tự nhiên, hạn chế ảnh hưởng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề.
Tại Thái Lan, du lịch nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và hiệu quả nhờ chính phủ định hướng cho người dân đầu tư phát triển các công trình dịch vụ phục vụ ngành hàng như farmstay, homestay... theo hướng không chắc chắn trên đất nông nghiệp để tôn trọng tối đa tự nhiên. Đây được coi là hình thức sản xuất kinh doanh chạm nhẹ vào đất mà Thái Lan đang ứng dụng.
Do đó, giới chuyên gia cho rằng, HTX ở Việt Nam nếu làm được điều này giống như Thái Lan thì trong quá trình làm thủ tục hồ sơ xin cấp phép sẽ rất thuận lợi và nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, các HTX cần phải nghiên cứu các cấu trúc địa hình, đặc điểm tự nhiên một cách phù hợp để việc lựa chọn “chất liệu” hoàn thiện các công trình dịch vụ phù hợp và không bị sai phạm về mặt pháp luật.
Đặc biệt, hiện nay du lịch nông nghiệp Việt Nam bắt đầu rõ ràng về pháp lý, có cơ sở để mở rộng, phát triển mạnh mẽ. Nhưng đi liền với đó, các đơn vị làm du lịch nông nghiệp cần nhớ rằng đầu tư nhưng cần đúng luật. Tức là không xây dựng bê tông cốt thép, băm nhỏ đất nông nghiệp hay phá rừng, xây dựng các công trình, căn nhà không gắn với văn hóa, thế mạnh địa phương. Điều này có nghĩa, làm du lịch nông nghiệp là phải bền vững và đúng luật thì mới thu hút khách theo hướng lâu dài.
Trong khi, TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), Bộ NN&PTNT, cho rằng phát triển du lịch nông nghiệp muốn hiệu quả thì dù đầu tư xây dựng kiểu gì cũng phải lưu tâm đến yếu tố trải nghiệm cần đậm đặc. Muốn yếu tố trải nghiệm đậm đặc thì cơ sở hạ tầng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa địa phương.
Dẫn chứng về vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Phong cho rằng một HTX du lịch nông nghiệp ở Tây Nguyên không thể sử dụng xi măng, sắt... để xây dựng nhà sàn. Một HTX trồng và chế biến chè kết hợp làm du lịch nông nghiệp thì phải cho khách được cầm lá chè, ngắt lá, vò lá, ngửi mùi lá trà, uống trà, pha trà… thì họ mới thấy sự thú vị là mới hút được khách. Còn nếu làm du lịch nông nghiệp mà hời hợt, đầu tư xây dựng trái với đặc điểm tự nhiên, văn hóa địa phương và vì lợi ích trước mắt thì sẽ nhanh chóng bị đào thải và dễ vi phạm pháp luật.
Huyền Trang