Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện 125.000 ha theo Đề án tại vùng lúa chất lượng cao với sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX. |
Trong đó, các đối tượng chính được tỉnh khuyến khích tham gia Đề án là thành viên của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (bao gồm cả thành viên liên kết) trong vùng Đề án; các THT, HTX nông nghiệp trong vùng Đề án; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Khi tham gia thực hiện Đề án, các THT, HTX sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, cơ sở hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ Đề án; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon;…
Tuy nhiên, các THT, HTX phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình sản xuất; tham gia các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng; báo cáo kết quả sản xuất;…
Để mang lại hiệu quả cao, UBND các huyện, thị xã vùng Đề án tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các THT, HTX, các doanh nghiệp tham gia Đề án ở địa phương thực hiện đăng ký và cam kết, thông báo tham gia Đề án.
Theo ngành nông nghiệp địa phương, một trong những khó khăn trong phát triển Đề án là số diện tích đăng ký tham gia cần thiết phải nằm trong các THT, HTX nông nghiệp để sản xuất tập trung.
Long An là một trong những tỉnh sản xuất lúa hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa ở Long An đạt trên 516.000ha, sản lượng 3,067 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên, sản lượng lúa của Long An vượt mốc 3 triệu tấn. Địa phương đang chủ động hỗ trợ các HTX, THT tham gia Đề án, hướng đến phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.
Là một trong những HTX đăng ký tham gia thí điểm đề án tại Long An, ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp 4.0 cho biết, HTX tham gia vùng chuyên canh 125.000 ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất để gia tăng giá trị, phát triển bền vững. Qua đây, quy trình canh tác của HTX cũng được thực hiện một cách bài bản hơn. Giá cả các sản phẩm lúa gạo hữu cơ được đối tác chấp nhận, đảm bảo sự ổn định về nguồn thu nhập cho nhà nông.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, để thực hiện Đề án, địa phương sẽ triển khai 60.000 ha vùng lúa ứng dụng công nghệ cao tập trung và trên nền Dự án VnSAT. Tỉnh cũng đã mời các giám đốc HTX tham gia trong vùng dự án để tập huấn, lên bản đồ quản lý về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.
HT