Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX nông nghiệp ở Nghệ An, cho biết trong quá trình thực hiện chính sách thuế, HTX đã tiếp cận được chính sách thuế cho khu vực kinh tế tập thể.
Không tận dụng được ưu đãi vì không vào HTX
Cụ thể HTX được chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ một thiết bị máy dùng cho sản xuất, hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) do bên cung cấp máy móc cấp nên HTX đã được khấu trừ toàn bộ số thuế VAT đầu vào của hàng hóa tương ứng ghi trên hóa đơn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Thông tư 26/2015/TT-BTC. Tức là thiết bị máy móc có tổng giá trị là 270 triệu đồng, trong đó tiền thuế VAT là 25 triệu đồng, HTX đã được hỗ trợ miễn thuế này.
Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bagico, khẳng định các chính sách của Việt Nam có nhiều ưu đãi cho HTX, trong đó có chính sách về thuế. Tuy nhiên, nhiều nông dân hiện chưa biết lợi ích của HTX để tham gia mô hình này và nhiều HTX chưa tìm hiểu để vận dụng các chính sách hỗ trợ này nên chưa chủ động trong kinh doanh.
Cụ thể là đối với HTX nếu xuất bán nông sản thô cho người mua buôn thì thuế VAT bằng 0%, nhưng cũng đơn vị này, nếu xuất bán cho người tiêu dùng thì VAT vẫn bằng 5%.
Tùy từng hình thức tiêu thụ mà chính sách thuế áp dụng đối với HTX sẽ khác nhau. |
Đối với HTX bán buôn nông sản thô (ví dụ bán buôn quả sầu riêng) cho siêu thị thì VAT vẫn bằng 0%, hoặc HTX bán cho vựa thu mua cũng có VAT là 0%, xuất khẩu cũng là 0%. Nhưng nếu HTX bán lẻ cho người tiêu dùng thì HTX phải mất 5% VAT.
“Nhưng đối với hộ nông dân, hộ kinh doanh thì đều không quy định VAT. Còn HTX cũng là hình thức liên kết giữa các hộ nông dân, nhưng nếu họ có khả năng bán hàng trực tiếp thì có nghĩa họ phải xuất 5% VAT”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bagico cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng cho rằng, đầu vào có bao nhiêu VAT, đầu ra cũng xuất VAT sẽ giúp HTX cân bằng được chi phí và giá bán nông sản đầu ra sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm.
Nếu HTX phải bỏ ra 1 tỷ đồng để đầu tư sản xuất thì đồng nghĩa với việc HTX mất 100 triệu đồng VAT đầu vào (nếu HTX xuất VAT- nằm ở Tài khoản 133- Thuế Giá trị gia tăng được khấu trừ). Nhưng khi HTX bán nông sản cho người tiêu dùng hoặc bán sản phẩm chế biến theo hình thức bán buôn (ví dụ sầu riêng sấy thăng hoa được HTX bán cho siêu thị) thì HTX cũng thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5%. Như vậy, HTX sẽ bù trừ để lấy lại được một phần chi phí đầu tư theo hình thức khấu trừ VAT.
Tiếp cận cần thực chất
Theo thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong số khoảng 19.000 HTX nông nghiệp trên cả nước đã có khoảng 4.427 HTX được tiếp cận các chính sách thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài, tiền thuê đất…
Tại Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Phát triển hiệu quả, bền vững chuỗi giá trị nông sản" do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng thuế là một trong những vấn đề tác động không nhỏ đến quá trình sản xuất kinh doanh của người dân, HTX.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết chính sách thuế nếu phù hợp sẽ hỗ trợ thiết thực cho người dân, HTX. Ngược lại, nếu chính sách này không hợp lý sẽ làm tăng khó khăn, chi phí cho HTX.
Trong đó, chính sách thuế VAT với phân bón nếu không được khấu trừ thì giá phân bón tăng lên, chi phí đầu tư cho sản xuất của người dân, HTX tăng theo. Trong khi theo tính toán của Bộ NN&PTNT, chi phí phân bón thường chiếm từ 20-30% chi phí sản xuất nông nghiệp.
Đi liền với đó, Nhà nước đang có chính sách hoàn thuế VAT nhưng nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tìm cách lấy các hóa đơn đầu vào, lấy khống hóa đơn rồi thông qua chính sách hoàn thuế để lấy tiền. Nhưng sau đó, doanh nghiệp không xuất hiện trên thị trường nữa thì rất khó truy tố.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết hoàn thuế VAT là loại thuế được hoàn lại và tập trung vào hoạt động xuất khẩu nên tạo thuận lợi đối với hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý tốt từ phía cơ quan chức năng sẽ gây thất thoát ngân hàng sách và mất niềm tin đối với doanh nghiệp HTX.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu các HTX biết nghiên cứu các chính sách nói chung, chính sách thuế nói riêng và biết cách áp dụng các chính sách vào sản xuất, bán hàng thì sẽ giúp quảng bá được thương hiệu. Đặc biệt, với HTX chế biến, khi lựa chọn kênh tiêu thụ phù hợp sẽ khấu trừ được VAT, từ đó nâng cao được năng lực kinh doanh trên thị trường.
Bởi HTX xét trên một khía cạnh nào đó có hoạt động gần giống với mô hình doanh nghiệp nên vẫn sử dụng hóa đơn VAT. Đó là nguyên nhân vì sao người dân cần tham gia HTX. Vì ngoài khi là thành viên HTX, họ có thể tự sản xuất nông sản phục vụ nhu cầu nông hộ, vừa có thể làm các dịch vụ khác mà vẫn được hưởng các chính sách phù hợp.
Ví dụ, nếu như cá nhân hộ nông dân mua máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu thì sẽ phải mất thêm thuế VAT, từ đó kéo giá thành đầu tư 1 chiếc máy bay tăng lên. Nhưng khi chính nông hộ này liên kết với nhau hoạt động theo mô hình HTX và thực hiện làm dịch vụ cho nông dân sẽ xuất hóa đơn dịch vụ 5%, tức là HTX được khấu trừ VAT.
Điều này có nghĩa là thông qua HTX, lợi ích của người dân sẽ được cụ thể hơn. Quá trình áp dụng các chính sách thuế, tài chính được minh bạch, rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều HTX vẫn chưa nắm được những ưu điểm của chính sách thuế để áp dụng. Nguyên nhân là do chính các HTX này không có sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia để HTX áp dụng chính sách vào thực tế. Hoặc hiện nay, nhiều chuyên gia tư vấn cho HTX nhưng không trực tiếp “ăn nằm” cùng HTX nên không biết cách hỗ trợ HTX tiếp cận chính sách một cách phù hợp nhất.
Do đó, song song những chính sách, chiến lược vĩ mô, vẫn cần phải tiếp cận, nghiên cứu đến những chính sách vi mô. “Phải làm sao có thể giúp cho HTX ngay trong những hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày thì mới phát triển theo chuỗi bền vững được”, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết.
Huyền Trang