Nghề làm mỳ gạo bắt đầu từ giữa những năm 1980 và ngày càng được mở rộng. Sau gần 40 năm, người dân vẫn duy trì cách làm mỳ thủ công truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Đến nay, do tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng thu hẹp, vài ba năm trở lại đây, nghề làm mỳ sợi mới thực sự phát triển mạnh, trở thành một trong những nghề sản xuất chính của nông dân trong xã.
Mỳ gạo Dĩnh Kế
Làm mỳ gạo không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, vốn đầu tư không lớn, tận dụng được lao động nhàn rỗi nên có hơn 500 hộ tại các thôn Mé, Hạc, Nợm… tham gia sản xuất. Trong đó, thôn Mé là vùng sản xuất mỳ lớn nhất của Dĩnh Kế, với khoảng 200/240 hộ làm nghề, với hơn 500 lao động, sản xuất gần 20 tấn mỳ/ngày.
Chỉ với số tiền đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu đồng, mỗi ngày một hộ (từ 2 đến 3 lao động) làm được khoảng 50 kg gạo. Nếu thời tiết thuận lợi, trung bình một hộ cũng có nguồn thu tối thiểu 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Quy trình làm mỳ gạo đầu tiên phải chọn gạo. Gạo được chọn là loại ít hạt gẫy, đanh gạo, không bị mềm hạt gạo, không có sạn, không có đầu trấu.
Sau đó, người làm sẽ vo, đãi gạo, ngâm trong vòng 2 - 3 tiếng đồng hồ để hạt gạo ngấm no nước và mềm ra, sau đó mới cho vào máy để xay.
Bột gạo sẽ được trộn đều với nước theo một tỷ lệ thích hợp, sau đó sẽ được đưa lên hệ thống băng chuyền, thông qua lò hơi ở nhiệt độ khoảng 100oC giúp làm chín bánh. Sau đó, bánh sẽ được trải đều ra các phên nứa và đem ra phơi.
Trước khi bánh được gập thành mỳ thì sẽ được “chà bánh” để có độ mềm nhất định, khi gập bánh thành cầu mỳ không bị gãy. Nước chà bánh là nước đun sôi từ lò tráng mỳ. Sau khi “chà bánh”, bánh sẽ được ủ trong khoảng một giờ rồi được tách ra và tiến hành công đoạn cuối cùng là cắt bánh thành sợi mỳ.
Vấn đề lớn nhất của các hộ làm mỳ là thị trường tiêu thụ. Ban đầu, hầu hết các hộ phải mang đi tiêu thụ tại chợ địa phương. Sau này “tiếng lành đồn xa”, nhiều thương lái đến đặt mua sản phẩm, tuy nhiên việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn.
Do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nhiều công đoạn còn làm thủ công; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu qua tư thương nên dù phát triển mạnh trong thời gian gần đây song nghề này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
![]() |
HTX ra đời để tạo dựng niềm tin, gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường |
Xây dựng thương hiệu
Trong bối cảnh đó, HTX Sản xuất và Kinh doanh mỳ Kế ra đời để tạo dựng niềm tin, gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.
Sau khi thành lập, HTX đã đầu tư máy móc, nâng cao công nghệ, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm.
Các công đoạn đều có trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, như: Máy xay gạo, tráng bánh bằng điện. Các hộ đều sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời để lấy nước tráng bánh, tiết kiệm chi phí điện năng.
Đồng thời. các thành viên của HTX cũng được tham gia các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ với máy tráng với công suất cao giúp tăng năng suất và yêu cầu các hộ sử dụng đúng nhãn hiệu đã được cấp để bao gói sản phẩm.
HTX cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng thương hiệu “Mỳ gạo Dĩnh Kế”. Năm 2014 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mỳ Kế, thuộc xã Dĩnh Kế.
Ông Giáp Đông Phong - Giám đốc HTX, nhận định việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mỳ Kế là tin vui đối với không chỉ thành viên HTX, mà còn với các hộ làm mỳ trên địa bàn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết và là cơ hội để làng nghề phát triển ổn định, bền vững hơn.
Hiện các sản phẩm do thành viên HTX làm ra sẽ được đóng dấu đỏ để phân biệt với các sản phẩm khác. HTX đang tiếp tục phát triển thương hiệu “Mỳ gạo Dĩnh Kế”, đồng thời phối hợp triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm… tại các thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc, như: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, thậm chí còn vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh…
Sau khi được cấp Chứng nhận sở hữu trí tuệ, cũng như có nhãn mác riêng, sản phẩm của HTX được tiêu thụ tốt hơn, HTX cũng nhận được nhiều sự tham gia của các hộ dân trong vùng.
Hồng Nhung