Có việc làm, thu nhập ổn định, có điều kiện chăm sóc gia đình là mong muốn chung của chị em trong giai đoạn hiện nay. Với việc mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo, HTX Mây tre đan của chị Bùi Thị Sành không chỉ đáp ứng được nguyện vọng ấy, mà còn góp phần làm sống dậy nghề đan mây tre thủ công có truyền thống ở vùng quê này.
Đánh thức tiềm năng
Để tạo điều kiện bước đầu cho các mô hình kinh tế hợp tác (KTHT) phát triển, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác phối hợp tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, vốn vay… đặc biệt là ký kết chương trình phối hợp phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển KTHT, nòng cốt là HTX.
Tiền thân của HTX là mô hình tổ hợp tác (hình thành từ năm 2011) sản xuất và chủ yếu đan thủ công một số mặt hàng thô khay mây, hộp mây…
Năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, tổ hợp tác nâng cấp thành HTX, các chị đã tính đến những dòng sản phẩm hoàn thiện và hướng tới sản phẩm mang tính nghệ thuật, giá trị cao.
“Việc thành lập HTX sản xuất giúp các thành viên rất nhiều, chị em phụ nữ được bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao tay nghề. Ban quản trị được hỗ trợ kỹ năng về quản lý, nghiệp vụ tài chính và đặc biệt được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, được kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm”, chị Sành chia sẻ.
Hiện nay, HTX thu hút hơn 500 thành viên trong xã và nhiều chị em các xã lân cận. Với mức thu nhập bình quân khoảng 100.000 đồng/ ngày, nghề đan mây tre giúp nhiều hộ dần ổn định cuộc sống.
Chị Quách Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Nghĩa, đánh giá: “Thuận lợi của nghề này là mình có thể tranh thủ làm mọi nơi, mọi lúc và rất dễ truyền nghề. Quan trọng nhất là thu nhập ổn định, với người tay nghề thành thạo, thu nhập một tháng có thể đạt vài triệu đồng/ người. Nếu cả gia đình cùng tranh thủ đan, cùng với các khoản thu nhập khác như chăn nuôi, làm ruộng thì kinh tế cũng được cải thiện đáng kể”.
Kể lại câu chuyện đầu năm 2018, chị Sành cho biết HTX nhận được đơn hàng hơn 20 chiếc mâm mây cho một khu du lịch nổi tiếng ở Hòa Bình. Đây là đơn hàng sản phẩm hoàn thiện đầu tiên của HTX, ngoài những đơn hàng thô mà các chị đã ký kết.
Vì vậy, chị em phấn khởi, đơn hàng này sẽ mở ra cơ hội mới giúp HTX có thể đưa ra những dòng sản phẩm hoàn thiện thay vì chỉ làm sản phẩm thô cho những công ty đầu mối thu mua.
Hiện, HTX ký hợp đồng gia công các sản phẩm mây tre đan cho 3 công ty ở Hà Nội theo đơn đặt hàng với mẫu mã, chủng loại khác nhau, số lượng 1.000 - 1.500 sản phẩm/chuyến.
HTX có vốn cố định 1 tỷ đồng và 500 triệu đồng vốn lưu động. Mong muốn lớn nhất của HTX là được cấp đất xây dựng trụ sở để ổn định hoạt động và được hỗ trợ vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thành viên HTX làm các sản phẩm theo đơn đặt hàng |
Cần gỡ khó để phát triển
Tuy nhiên, HTX thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2017, được công nhận làng nghề từ tháng 4/2018, nhưng đến nay HTX vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề.
Thực tế tại Hòa Bình, mô hình KTHT do phụ nữ làm chủ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là với những mô hình tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa kinh tế chưa phát triển; công tác quản lý làm sao cho mô hình HTX phát triển bền vững, lâu dài...
Theo Hội LHPN tỉnh, để phát huy được lợi thế và hiệu quả kinh tế của mô hình, các cấp Hội Phụ nữ tập trung vận động cán bộ, hội viên, đặc biệt là cán bộ Hội Phụ nữ xã, chi hội trưởng, các cá nhân, tập thể phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi chủ động là sáng lập viên, tổ viên, thành viên nòng cốt của tổ hợp tác, HTX. Thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp trong các mô hình KTHT để hỗ trợ nhau khởi nghiệp và phát triển bền vững.
Nhìn nhận thành công ban đầu của HTX Mây tre đan xóm Bui, UBND huyện Lạc Sơn đã có đề án xây dựng trên địa bàn xã Nhân Nghĩa làng nghề truyền thống mây, tre đan. Tuy nhiên, theo chị Sành, muốn phát triển thành làng nghề đòi hỏi phải đa dạng về sản phẩm, trong khi hiện nay, HTX chủ yếu đan sản phẩm thô theo đơn đặt hàng.
Mục tiêu HTX hướng đến ngoài những sản phẩm thô là dòng sản phẩm gia dụng, sản phẩm mỹ thuật, hàng lưu niệm. Chính vì vậy, mong muốn của HTX là có sự hỗ trợ, liên kết để các chị có thể giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường, vừa tăng thu nhập, vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hoàng Lê