Trước đây, khi đến Bát Tràng nhiều người sẽ không thể chịu được mùi khói bụi, khí than nồng nặc quyện với thứ mùi khét lẹt đặc trưng của các lò nung gốm và khung cảnh sình lầy, bùn đất nhão nhoét bám dính trên những con đường làng sau mỗi trận mưa.
Người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những hộ gia đình sản xuất gốm và người dân sống trong làng. Khói bụi, khí thải ô nhiễm vừa làm mất mỹ quan không gian sống, vừa tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân. Môi trường làng nghề gốm Bát Tràng từng đạt mức báo động cần có những giải pháp quyết liệt để trả lại môi trường sạch đẹp.
Sản xuất sạch
Với mong muốn tiếp tục phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững, chính quyền huyện Gia Lâm đã vào cuộc, vận động và hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng công nghệ sản xuất sạch để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Sản xuất sạch giúp làng gốm Bát Tràng thu hút khách du lịch |
Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại làng nghề Bát Tràng đã tích cực chuyển đổi công nghệ sản xuất. Dưới sự hỡ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.
Đến nay, 90% hộ dân tại Bát Tràng đã sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Trước đây, người dân Bát Tràng thường dùng lò than để nung gốm. Mỗi mẻ nung liên tục trong 3-5 ngày liền, vì thế lượng khí thải phát tán ra môi trường là rất lớn. Trung bình mỗi mẻ nung gốm bằng than thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn. Không những thế, bụi đất, bụi than và phế phẩm, gốm sứ vỡ hỏng được chất đống bên đường, tạo thành đống bùn nhão lầy lội, bẩn thỉu mỗi khi mưa trút xuống.
Nhưng lúc đó, để hạn chế sự ảnh hưởng của khói bụi người dân mới chỉ áp dụng các biện pháp đơn giản như phun nước, bịt khẩu trang, đội mũ kín... trong khi điều cần có là quy trình sản xuất cần được cải tiến để giảm thiểu ô nhiễm – vấn đề mà bất cứ làng nghề truyền thống nào cũng đau đầu giải quyết.
Tuy nhiên sau thời gian quyết tâm của của chính quyền và người dân, đến nay, làng nghề gốm Bát Tràng đã trở thành làng nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Các doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng công nghệ sản xuất sạch đi trước đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo.
Đầu tư công nghệ mới không chỉ giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Công nghệ hiện đại giúp chất lượng của mỗi mẻ nung đạt 80-90%, cao hơn nhiều so với tỷ lên 60-70% do nung bằng lò truyền thống ngày trước, bên cạnh đó, thời gian nung gốm bằng công nghệ mới cũng rút ngắn.
Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 23 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.
Phát triển du lịch
Đến nay, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất có định hướng, khai thác được tiềm năng thế mạnh của làng nghề, câu lạc bộ làng nghề gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng được thành lập. Câu lạc bộ là tập hợp những hộ sản xuất, doanh nghiệp có tay nghề và có tâm tại làng nghề, cùng đoàn kết xây dựng định hướng bảo tồn phát triển lâu dài cho làng nghề truyền thống.
Hiện nay, Bát Tràng còn trở thành điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, để thích ứng trong thời kì hội nhập, Bát Tràng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước bằng cách xây dựng cổng thông tin điện tử Bát Tràng, lắp đặt wifi miễn phí, sử dụng máy thuyết minh tự động, ứng dụng (app) du lịch Bát Tràng, kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện thông minh... để phục vụ khách du lịch.
Ngoài áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng của du lịch hiện đại, Bát Tràng còn thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa để làm nơi “check in” thu hút giới trẻ.
Có thể thấy, việc Bát Tràng trở thành điểm du lịch đã và sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất cũng như du lịch của Bát Tràng theo hướng bền vững. Điều này cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương theo hướng xanh để vừa bảo tồn, vừa phát triển những giá trị của làng nghề truyền thống.
Ông Lý Duy Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt khách/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Điều này cho thấy, Bát Tràng là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Như Yến