HTX Dược liệu Như Ý có 7 thành viên với tổng diện tích 15ha chuyên cung cấp hạt giống, cây giống sâm đương quy cho nông dân trồng và thu mua sản phẩm kết hợp chế biến.
Nâng cao giá trị dược liệu
Theo ban giám đốc HTX, sâm đương quy chỉ cần trồng và chăm sóc trong thời gian 1 năm rưỡi thì sẽ cho thu hoạch. Công và kỹ thuật chăm sóc không quá khó nên có thể thu hút nhiều nông dân có thể canh tác.
Tuy nhiên, để khẳng định giá trị sản phẩm, HTX đã áp dụng quy trình VietGAP. Về nguồn giống, HTX đặt mua các loại giống có chất lượng cao, đa dạng, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng địa phương, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. HTX có vườn ươm tiêu chuẩn sạch từ giá thể, nguồn nước tới trang thiết bị ươm giống...
Thành viên và người dân cũng thường xuyên được tập huấn kỹ thuật và giám sát việc tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt khi canh tác. Đặc biệt, người trồng không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm giá trị của cây dược liệu.
Giám đốc Đinh Thị Thi cho biết HTX đang hướng dẫn người dân sản xuất đương quy theo mô hình cánh đồng lớn để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. |
Nhờ tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật, năm 2018, HTX dược liệu Như Ý đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cây sâm đương quy. Đây chính là bước ngoặt tạo động lực cho HTX ngày càng hoàn thiện và phát triển về chất lượng sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho cây dược liệu tại địa phương.
Ngoài diện tích sản xuất của các thành viên, HTX còn liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân tại các địa phương khác. Sản phẩm thu về là củ tươi sau đó thực hiện sấy khô và bán ra thị trường. Ngoài sản phẩm thô, HTX còn có trà túi lọc đương quy, rượu ngâm đương quy...
Theo ban giám đốc HTX, tổng chi phí đầu tư cho 0,1 ha trồng cây sâm đương quy khoảng 30 triệu đồng, sản lượng thu về khoảng 3-3,5 tấn/0,1 ha, giá thu mua củ tươi 20.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc thu hoạch...thu lãi khoảng 30 triệu đồng/0,1 ha sau 14 tháng trồng.
Hỗ trợ giảm nghèo
Cùng với các mô hình sản xuất khác, HTX đã trở thành điển hình trong phát triển sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa. Không chỉ bảo đảm thu nhập cho thành viên, HTX còn giúp 40 hộ dân nâng cao mức sống, có hộ đã giảm nghèo nhờ trồng sâm đương quy.
Bà Đào Thị Lan (xã Đạ Ròn ) cho biết HTX Như Ý đứng ra thu mua sản phẩm nên gia đình bà yên tâm sản xuất. Các hộ liên kết cũng có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/ha khi bán củ tươi cho HTX.
Có thể thấy, với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, giá trị dược liệu được sản xuất ở Đạ Ròn cao hơn một số nơi khác. Bên cạnh một số nông sản thế mạnh thì xã cũng xác định phát triển cây dược liệu là hướng đi phù hợp với lợi thế địa phương giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Sản phẩm trà túi lọc đương quy có đầu ra thuận lợi giúp người dân và thành viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. |
Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 12,18% thì nay đã giảm xuống còn 3,65%, trong đó, số hộ nghèo hiện nay chủ yếu rơi vào nhóm gia đình người già, neo đơn không có sức lao động.
Để tạo lòng tin cho người dân về mô hình kinh tế hợp tác, ngoài tuyên truyền, HTX còn xây dựng kế hoạch sản xuất hàng tháng, hàng quý, hàng năm một cách rõ ràng. Đối với người lao động, HTX cũng bố trí nguồn vốn tập trung nâng cao kiến thức và tay nghề sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh trong sản xuất, thu hoạch và đóng gói.
Chính vì xuất phát từ hiệu quả của mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phầm tốt nên mô hình của HTX đã thu hút được sự tham gia và liên kết của không ít hộ dân ở trong và ngoài xã.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của HTX dược liệu Như Ý là đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá thành sản phẩm. Muốn chế biến được nhiều sản phẩm phải cần có máy móc, công nghệ hiện đại, nguồn vốn lớn, trong khi hiện nay máy móc mới tập trung phục vụ chế biến trà túi lọc.
Bà Đinh Thị Thi - Giám đốc HTX dược liệu Như Ý, cho biết: Các thành viên đều mong muốn có một cơ chế nào đó để HTX được vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất nhằm khẳng định được giá trị cây sâm đương quy và tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Khi chế biến được đồng bộ thì giá thành sẽ giảm, giúp HTX cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Hy vọng rằng với những giá trị mà mô hình HTX mang lại, Như Ý sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cấp ngành từ địa phương đến trung ương nhằm đưa mô hình kinh tế hợp tác phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.
Như Yến