Theo thống kê, cả nước có hơn 8.500 chợ, trong đó có 236 chợ hạng I, 902 chợ hạng II và 7.070 chợ hạng III; hơn 70% lượng hàng hóa hiện nay vẫn tiêu thụ qua các chợ. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển lớn của mô hình thương mại hàng hóa này.
Quy định chồng chéo
Tuy vậy, việc thiếu cơ chế chính sách thu hút đầu tư khiến các HTX quản lý chợ chưa phát huy được hết vai trò của mình. Cụ thể, Nghị định số 114/2009/NĐ-và Nghị định 02/2013 là cơ sở để các HTX quản lý chợ có căn cứ pháp lý để hoạt động, Tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật mới đã được ban hành như Luật Đầu tư 2014, Luật Quy hoạch 2017, Luật Đầu tư công 2019… khiến các quy định tại Nghị định 02 và 114 trở nên lạc hậu.
Nắm bắt được điều này, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo nghị định về phát triển và quản lý chợ nhằm sửa đổi bổ sung một số quy định Nghị định 02 và Nghị định 114. Tuy nhiên, theo một số HTX, dự thảo nghị định về phát triển và quản lý chợ mặc dù đã có những điểm tích cực nhưng vẫn chưa giải quyết được những bất cập trong mô hình quản lý chợ hiện nay.
Ông Dương Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT HTX Hải An (Thái Nguyên) cho biết, việc đầu tư mô hình chợ nếu không tính toán hợp lý, không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và sự thông thoáng về chính sách sẽ cho lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp.
Và ngay trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý chợ hiện nay cũng bị tác động, chồng chéo ở Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công. Theo Luật Đất đai 2013, dự án xây dựng chợ là công trình sử dụng đất phục vụ công cộng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia. Do đó, cơ quan Nhà nước tại nơi thực hiện dự án có trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt để bàn giao mặt bằng sạch cho HTX.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm nhưng công tác giải phóng mặt bằng của cơ quan quản lý tại địa phương để bàn giao đất sạch cho HTX Hải An thuê và xây dựng, hoàn thiện chợ vẫn chưa xong do vướng nhiều quy định khác nhau, gây mất thời gian, tiền bạc và công sức của HTX.
Chợ vẫn là kênh mua sắm hàng hóa, thực phẩm của nhiều người dân. |
Còn theo ông Tiết Đinh Vương, Giám đốc HTX Quản lý, kinh doanh khai thác chợ Phú Thuận (Quảng Nam), trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý chợ quy định mỗi địa phương áp dụng giới hạn doanh thu đối với các đơn vị đầu tư chợ cũng là rào cản khiến các HTX ngại tham gia xã hội hóa mô hình chợ.
Bởi kinh doanh chợ tháng này, năm này có thể tốt nhưng nếu như thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến người bán và mua giảm thì doanh thu cũng bị ảnh hưởng. Việc tính toán doanh thu, lợi nhuận vì vậy mà có thể không đúng theo kế hoạch. Đó là chưa kể các chợ ở miền núi, vùng sâu vùng xa thường chỉ buôn bán theo phiên, hiệu quả thấp và chưa tận dụng hết các dịch vụ của mô hình chợ.
Theo các chuyên gia, nếu các vướng mắc trên không được tháo gỡ thì việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, thu hút doanh nghiệp, HTX thực hiện xã hội hóa mô hình chợ sẽ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thống kê của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, đến nay, số lượng doanh nghiệp và HTX kinh doanh, quản lý chợ còn ít, nhất là tại địa bàn khó khăn. Cả nước có khoảng 14% số chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý, còn lại các chợ vẫn do các ban quản lý, tổ quản lý quản lý theo phương thức cũ, chưa đầu tư xây dựng mới nên chưa gia tăng cơ hội sinh kế cho người dân và chưa tạo nguồn thu cho ngân sách.
Chính sách cần đồng bộ
Có thể thấy, các hình thức phân phối hàng hóa hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online… ngày càng phát triển nhưng phải khẳng định rằng chợ truyền thống vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính của người tiêu dùng Việt Nam.
Chợ có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng, mang lại những cơ hội kinh tế và việc làm cho nhiều người dân. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư, quản lý và phát triển chợ cần phải bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất với các quy định khác. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển chợ cũng như thu hút các HTX tham gia.
Chẳng hạn như hiện nay, dự thảo đã bổ sung các khái niệm: chợ đêm; chợ di tích, lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc; chợ cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung khái niệm về “chợ tạm”. Vì do đặc điểm của nhiều địa phương mà hình thức chợ này vẫn xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, việc có quy định rõ ràng, cụ thể sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thuận tiện cho công tác quản lý.
Ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết không chỉ các khái niệm về chợ mà ngay các quy định, thủ tục trong dự thảo cũng cần đơn giản hóa, tránh chồng chéo để tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp thuận lợi tham gia vào xã hội hóa chợ.
Và quy định liên quan đến hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư, cũng cần quy định rõ do Bộ nào, sở nào thực hiện những bước nào để thuận tiện cho HTX trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật cần có sự thống nhất, chỉ đạo từ Bộ, ngành, tỉnh, huyện, trực tiếp là xã, phường, thị trấn để làm từng mô hình, theo quy trình phù hợp với các địa phương và các HTX. Có như vậy, các HTX mới mạnh dạn đầu tư mô hình chợ phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Khi các HTX đẩy mạnh kinh doanh hàng hoá, sẽ có tiền đóng thuế cho Nhà nước, đồng thời tái đầu tư được chợ và hạ tầng cơ sở ngày càng được nâng cấp.
Huyền Trang