Ông Lê Minh Quẫn, Giám đốc HTX Rau sạch Song Hy (TP.HCM) cho biết, dù HTX đã đạt chứng nhận VietGAP và có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn rau của HTX vẫn phải tìm đầu ra tại các chợ đầu mối và có lúc mức giá xuất bán dưới 5.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng vẫn nghi ngờ về chất lượng
Trồng rau theo tiêu an toàn, HTX Song Hy phải đầu tư nhiều hơn, chi phí cũng cao hơn nhưng vì đầu ra chưa rộng mở nên lợi nhuận thu về chưa cao. Đó là chưa tính đến rủi ro vì rau màu chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết, mất mùa.
Còn ông Nguyễn Văn Nga, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (Đồng Nai) cho biết năm 2021, HTX có 10 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên đầu ra cho loại nông sản này hiện vẫn rất khó khăn, chủ yếu là bán cho thương lái.
Để trồng 1ha thanh long an toàn, HTX phải đầu tư 380-400 triệu đồng, khoảng 10 tháng sau, cây bắt đầu cho trái. Nếu ký được hợp đồng tiêu thụ với giá trên 10.000 đồng/kg, khoảng 3 năm, thành viên sẽ thu hồi được vốn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và người tiêu dùng luôn nghi ngờ chất lượng sản phẩm nên thanh long bán ra chỉ 5.000-7.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, hiện nay cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm thậm chí còn cao và sâu hơn người sản xuất nên họ luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường. Kể cả đó là những sản phẩm của HTX, doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Sản xuất rau an toàn đã khó, đưa rau an toàn đến tay người tiêu dùng còn khó hơn. |
Những nghi ngờ của người tiêu dùng cũng có lý do bởi thực tế hiện nay, nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình nên chưa khẳng định được giá trị nông sản trên thị trường.
Và thực tế ngay các siêu thị đã có tình trạng “thật giả lẫn lộn” khiến người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng nông sản. Trong khi nông sản đạt tiêu chuẩn khi vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có giá cao hơn. Vì vậy, không ít người tiêu dùng vẫn thích ra chợ truyền thống vừa dễ mua, lại được lựa chọn thoải mái. Chính điều này làm cho nông sản an toàn, có chứng nhận khó có chỗ đứng.
Tuy nhiên không chỉ ở các siêu thị, mà ngay tại các chợ truyền thống, người tiêu dùng cũng khó đặt niềm tin vào chất lượng. Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm tại chợ Hóc Môn, cho biết nông sản nhập về chợ là sản phẩm ở cả trong và ngoài nước. Sản phẩm nhập về đều có bao bì, tem nhãn rõ ràng.
Tuy nhiên có thực tế là khi các thương lái nhập hàng từ chợ Hóc Môn về bán tại các chợ nhỏ lẻ khác thì không thể biết được vấn đề nhãn mác, chất lượng nông sản như thế nào, có bị đánh tráo hay không? Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm.
Cần cơ chế rõ ràng
Trước thực trạng này, đã có những HTX thẳng thắng đối diện để có thể vượt qua. Chẳng hạn như HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Quới (Tiền Giang) đã luôn phải đào tạo thành viên, người lao động các kiến thức cũng như thông tin về thực phẩm, nông sản an toàn để truyền tải và sẵn sàng chứng minh tới người tiêu dùng rằng thực phẩm HTX làm ra luôn đúng tiêu chuẩn và không có sự gian dối.
Tuy nhiên, để xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng là vấn đề không phải dễ dàng đối với các HTX. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợị (Vĩnh Long) cho rằng, hiện tại những sản phẩm của HTX vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Thay vào đó, sản phẩm chỉ đến được với một số khách hàng nhất định, có tìm hiểu, có nhu cầu thực sự về thực phẩm an toàn và tin tưởng sử dụng.
“Sản phẩm của HTX vẫn chưa tiêu thụ nhiều ở các siêu thị, chưa xuất khẩu được sang một số thị trường tiềm năng. Lý do là những sản phẩm sản xuất đảm bảo an toàn có quy trình sản xuất phức tạp hơn, sản lượng không cao, thậm chí mẫu mã không đẹp”, ông Nga chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp Hội thực phẩm Minh Bạch (AFT), cho biết hiện nay các sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ vẫn đang chiếm tỉ trọng nhỏ trên thị trường và phải cạnh trạnh cật lực với các loại nông sản chưa bảo đảm chất lượng.
Điều này khiến các HTX làm thực phẩm sạch gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường, nhất là trong việc chinh phục niềm tin của người tiêu dùng. Nhiều thành viên HTX nản lòng và mong muốn chuyển đổi về sản xuất thông thường.
Để sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ của các HTX rộng đầu ra và người tiêu dùng có thể tiếp cận được với thực phẩm an toàn nhiều hơn, điều đầu tiên cần làm là Luật An toàn vệ sinh cần phải quy định rõ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông sản phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh và có giấy chứng nhận quy trình sản xuất như VietGAP, hữu cơ...
“Các văn bản pháp luật hiện nay không không bắt buộc rau tươi phải có nhãn mác. Đây là điểm khó cho các chợ đầu mối, các đơn vị phân phối trong quá trình kiểm soát chất lượng nông sản và cũng là nguyên nhân gây mất niềm tin của người tiêu dùng”, bà Minh nói.
Ngoài ra, để rộng đầu ra cho nông sản của các HTX, cần nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ chế hỗ trợ về vốn, chính sách để HTX đầu tư lâu dài cho quy trình sản xuất cũng như xúc tiến thương mại nhằm tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Ông Nguyễn Văn Nga cho rằng, giải pháp căn cơ là ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ các HTX chuẩn hóa quy trình từ đầu vào đến đầu ra. Khi có đầu ra rồi, HTX mới biết cần sản xuất mặt hàng gì, sản lượng bao nhiêu, yêu cầu chất lượng như thế nào. Bên cạnh đó, chính quyền hỗ trợ thông tin dự báo, dự đoán nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để HTX có kế hoạch sản xuất và xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng.
Huyền Trang