Không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, HTX đã thể hiện vai trò rõ nét trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tích tụ ruộng đất hiệu quả
Trong vài năm lại đây, công tác thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp vào địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng được chính quyền quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nằm trong chủ chương chung thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tháng 6/2017, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), được thành lập như một đầu tàu để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ban đầu, HTX có vốn điều lệ trên 13 tỷ đồng, 68 thành viên, do ông Nguyễn Văn Nam (đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX.
Các ngành, nghề sản xuất kinh doanh của HTX, gồm: Hoạt động dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ sau thu hoạch; trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh các loại theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao; chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; xử lý hạt giống để nhân giống; chế biến, bảo quản rau quả và dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngay từ khi thành lập, HTX Bản Mé đã xác định được những ưu thế trong sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ. Do đó, HTX đã vận động, tổ chức cho các thành viên chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, HTX cũng được tỉnh hỗ trợ chi phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thuê máy, công phun thuốc, tập huấn cho cán bộ HTX, nông dân… giai đoạn 2018 - 2022.
Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX Công nghệ cao bản Mé, cho biết: Với việc hỗ trợ, ưu tiên nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh, nhất là hỗ trợ kinh phí trong sản xuất gắn tiêu thụ lúa Bắc thơm số 7 đã giúp HTX chúng tôi có thêm động lực sản xuất Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ mới theo ứng dụng phương pháp gieo lúa hàng biên để hạn chế tối đa sâu bệnh và giảm được 1/3 lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mang tới sản phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, tổng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của HTX là 22 ha, trong đó dồn điền đổi thửa được 13 ha. Năm 2018, HTX được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng mua máy làm mạ và máy cấy.
Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, HTX có 9 ha sản xuất theo công nghệ cao, cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, làm mạ đến gieo cấy với các giống lúa thuần chất lượng, giá trị kinh tế cao; quá trình sản xuất sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học không gây ô nhiễm môi trường.
Cánh đồng mẫu lớn Điện Biên |
Liên kết tiêu thụ theo chuỗi
Nhờ thống nhất theo một quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học tiên tiến, sử dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng lúa tăng 10%, giảm 40 - 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng gạo bảo đảm.
Song song với việc dồn điển đổi thửa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, HTX cũng được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện ký hợp đồng tiêu thụ với công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên.
Nhờ đó, sản phẩm của HTX được doanh nghiệp bao tiêu, không thông qua thương lái nên tránh được tình trạng bị ép giá, giúp tăng lợi nhuận cho HTX và các thành viên, qua đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên, bảo đảm chất lượng hàng hóa an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường.
Đồng thời, việc được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cũng bước đầu giúp HTX hình thành nên mô hình chuỗi liên kết doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo.
Ngoài lúa chất lượng cao, HTX phân phối sản phẩm rau trồng theo phương pháp an toàn của người dân trong xã đến với thị trường ngoài tỉnh. Quy trình sản xuất rau luôn được thường xuyên theo dõi và có cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn.
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật và tập huấn nâng cao tri thức về thị trường, người trồng rau trên địa bàn đã dần thay đổi nhận thức về quy trình sản xuất, hạn chế thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, các thành viên HTX sử dụng các chế phẩm sinh học như nước gừng, sả, tỏi ngâm sau đó phun cho cây trồng vừa an toàn lại có sản phẩm sạch, an toàn.
Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia những chương trình, dự án phát triển cộng đồng, như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dạy nghề… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hồng Nhung