Trong những năm qua, việc phát triển CĐML gắn với HTX tại Long An đã tạo chuyển biến tích cực của thành phần kinh tế hợp tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đến cuối năm 2017, diện tích CĐML đã được quy hoạch tại tỉnh là 40.000 ha trong số 233.000 ha đất trồng lúa (chiếm 17,1%).
Giải quyết những khó khăn
Trước đây, nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn gặp khó khăn do diện tích canh tác bình quân của từng hộ nông dân rất nhỏ, chỉ khoảng 1,08 ha/hộ.
Với diện tích đất sản xuất như vậy, người nông dân cố gắng cũng chỉ đủ ăn chứ không thể nào làm giàu. Theo tính toán, mỗi hộ phải có ít nhất 2 ha mới có thể sản xuất một cách hiệu quả.
Cùng với đó, đến mùa thu hoạch, giá giảm mạnh, thương lái nhũng nhiễu gây bất lợi cho người dân. Trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều tăng cao, nông dân sản xuất lợi nhuận thấp. Xuất phát từ những thực tế đó, Long An đã đẩy mạnh phát triển mô hình CĐML.
Thực tế cho thấy mô hình CĐML thông qua các THT, HTX đã khắc phục được nhiều hạn chế, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, từ việc thay đổi tư duy sản xuất đến nâng cao hiệu quả kinh tế.
Khi tham gia vào mô hình CĐML, nông dân sẽ sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đưa các giống lúa có năng suất và chất lượng cao gieo sạ đồng loạt cùng 1 giống, cùng 1 cánh đồng.
Việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ KH-KT vào sản xuất như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… vào sản xuất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận mà còn góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường.
Theo cán bộ chuyên môn tỉnh, tỷ lệ thu mua lúa của DN đối với nông dân trong CĐML đạt 97% sản lượng thu hoạch. DN tổ chức thu mua với giá cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/kg, nông dân trong CĐML có lợi nhuận 18 - 20 triệu đồng/ha, cao hơn 3 - 5 triệu đồng/ha so với bên ngoài.
Mô hình CĐML đã khẳng định được hiệu quả ở Long An |
Người dân đồng tình ủng hộ
HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) qua quá trình hoạt động luôn gặp nhiều khó khăn về vốn, lao động, đầu ra sản phẩm và chưa đủ sức để cạnh tranh trên thị trường.
Đến năm 2013, được sự hỗ trợ của địa phương và các ban ngành, HTX đã thực hiện quy hoạch ruộng đất, phát triển CĐML. Hiện CĐML của HTX có quy mô sản xuất nông nghiệp 464 ha, với 103 hộ tham gia.
HTX được hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện với công suất 2.100 m3/giờ, hệ thống điện 3 pha, nhà trạm…
Bên cạnh đó, HTX huy động thành viên góp vốn bổ sung đầu tư 2 giàn xới tay và 3 máy bơm trị giá gần 100 triệu đồng. Các thành viên HTX được trang bị đầy đủ về kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, phối hợp với Sở KH&CN và Trung tâm Giống tập huấn nhân giống cộng đồng.
Đặc biệt khi áp dụng “1 phải 5 giảm”, các thành viên đều sử dụng giống tốt, giống xác nhận; giảm giống, giảm lượng phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới và số lần bơm tưới, từ đó, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch. Biện pháp này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Sức khỏe người nông dân cũng được bảo vệ sau thời gian dài làm việc.
Ông Trương Hữu Trí - Giám đốc HTX, cho biết: Mô hình liên kết sản xuất theo CĐM thật sự cần thiết và có lợi mọi mặt khi thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển; nông dân sản xuất có thu nhập cao nhờ xây dựng được chuỗi giá trị nông sản sạch cung cấp cho công ty xuất khẩu…
Lợi nhuận trung bình của thành viên khoảng 28 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha, nông dân có đầu ra ổn định.
Có thể nói mô hình CĐL của HTX Gò Gòn đã từng bước tạo niềm tin cho người dân tham gia phát triển mô hình CĐML thông qua HTX.
Thông qua mô hình này, người dân sẽ được tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật và dần thay đổi tư duy, góp phần bảo vệ môi trường để mang lại lợi nhuận cho chính mình.
Như Yến