Hiện nay, nhiều loại trái cây đang và sắp vào chính vụ thu hoạch như chôm chôm, nhãn, vải, sầu riêng, bơ… Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), chỉ riêng tại Nam bộ, tổng sản lượng trái cây chính trong quý II/2022 đạt gần 1,5 triệu tấn. Từ đó cho thấy, việc đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử càng quan trọng hơn khi giúp HTX giải quyết đầu ra và giảm áp lực khi mùa thu hoạch đến.
Bán nông sản xuyên biên giới
Bà Lương Thị Thanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Sơn La) cho biết chỉ cần lên sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Voso gõ tên HTX Quyết Thanh hoặc đặc sản Mộc Châu, tên sản phẩm quan tâm, người tiêu dùng sẽ có thông tin liên quan đến HTX về giá, xuất xứ…
Hay như HTX Bản Thổ (Thanh Hoá) dự kiến trong năm 2022 sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong, gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như gừng, tỏi, nghệ... Và đến thời điểm này, 90% đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Không chỉ tiêu thụ hàng hoá trong nước, nhiều HTX còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử. Đã từng xuất khẩu hàng hóa trên sàn thương mại điên tử nội địa, HTX xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (Đắk Lắk) vẫn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Alibaba với mục đích tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lớn hơn từ các đối tác nước ngoài.
Có thể thấy, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của các HTX, nhất là khi HTX đã có sản phẩm tốt.
Đặc biệt, việc tiếp cận các sàn điện tử xuyên biên giới cho thấy sự thay đổi tư duy theo hướng tích cực của các HTX. Từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống thì nay, không ít HTX đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến và làm việc với các đối tác nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Thương mại điện tử giúp HTX tiếp cận với các khách hàng một cách dễ dàng hơn. |
Theo thống kê, chỉ tính riêng trên sàn điện tử Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp, HTX Việt Nam tham gia bán hàng, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản. Và bình quân mỗi HTX, doanh nghiệp Việt sau khi đưa nông sản lên sàn này sẽ có cơ hội tiếp cận với 15 khách hàng tiềm năng/ngày.
Còn về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, năm 2021, số lượng sản phẩm của doanh nghiệp, HTX Việt tiêu thụ trên sàn này đã tăng 34% so với năm 2020.
Điều này cho thấy bán nông sản trên các sàn điện tử nói chung và sàn điện tử xuyên biên giới nói riêng đều vô cùng tiềm năng. Đi liền với đó, các HTX sẽ có nhiều cơ hội để kết nối với khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Gần đây nhất, thông qua gian hàng của Liên minh HTX Việt Nam mở trên sàn Alibaba, HTX Suối Giàng (Yên Bái) đã xuất khẩu thành công đơn hàng chè xanh giá trị 2 tỷ đồng sang Nhật Bản.
Đẩy mạnh liên kết giữa các HTX
Hiện, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt 17 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 46% và dự báo sẽ đạt 29 tỷ USD vào năm 2025. Theo dự báo, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tìm kiếm nông phẩm Việt Nam trên sàn thương mại điện tử toàn cầu là rất lớn vì có tính đặc trưng vùng miền. Trong khi đó, phần lớn HTX hiện nay là HTX nông nghiệp. Nhiều HTX đã chú trọng sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu nên nếu biết nắm bắt cơ hội, thương mại điện tử chính là lực đẩy để các HTX phát triển, thích ứng trong thời kỳ hội nhập.
Tuy nhiên, để kinh doanh hiệu quả với các đối tác nước ngoài, HTX cần nắm rõ các quy định, những quy cách về đóng gói, bao bì, cách làm thương hiệu cũng như chăm sóc gian hàng trên sàn thương mại điện tử... Bởi đây là thị trường lớn, đòi hỏi tính chính ngạch ngày càng cao.
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Chè Suối Giàng, cho biết quá trình xuất khẩu chè sang Nhật thông qua sàn thương mại điện tử không hề dễ dàng. HTX phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt. Hàng hóa phải chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường; phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, có chỉ dẫn địa lý cũng như các chứng nhận liên quan.
Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế. Bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía sàn thương mại điện tử. Khi đưa sản phẩm lên được sàn rồi, HTX vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp để tiếp cận với khách hàng tiềm năng…
Bên cạnh những yêu cầu về chất lượng, các HTX cũng phải có những tiềm lực nhất định để duy trì các hoạt động trên sàn. Và điều này cũng là trở ngại của không ít HTX. Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX Thăng Tiến, cho biết dù đã đưa nông sản lên sàn Alibaba nhưng khó khăn lớn nhất của HTX là kinh phí để duy trì hoạt động trên sàn này khá lớn, trong khi doanh thu của HTX chưa nhiều.
HTX Suối Giàng chú trọng sản xuất theo quy trình và hoàn thiện các chứng nhận để đáp ứng tiêu chuẩn của các sản thương mại điện tử. |
Bên cạnh đó, khó khăn về nhân lực cũng là vấn đề cần tìm lời giải cho các HTX, bởi hiện nay, thành viên HTX chủ yếu là nông dân nên các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, xuất nhập khẩu đều không phải là thế mạnh của các HTX.
Ông Vũ Đức Quân, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại Minh Toàn Lợi (Đắk Lắk), cho biết cái khó nhất của HTX khi tiếp cận với sàn xuyên biên giới là trình độ ngoại ngữ của thành viên chưa thể tự đáp ứng trong việc giao thương với các đối tác nước ngoài.
Trước những thách thức này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, để xuất khẩu được nông sản thông qua các sàn thương mại điện từ xuyên biên giới, trước tiên các HTX cần làm tốt khâu liên kết nội tại, tức là thực hiện liên kết giữa HTX với HTX, HTX với Liên hiệp HTX ở ngay tại cùng địa phương để nâng cao khả năng liên kết, hạn chế những khó khăn.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo dẫn chứng, trong lần khảo sát tại Phú Thọ cho thấy, HTX Mỳ gạo Hùng Lô luôn trong tình trạng sản xuất không đủ bán nhưng nghịch lý xảy ra là HTX này phải nhập nguyên liệu- gạo từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi ngay trong tỉnh có HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hùng Việt sản xuất lúa gạo theo mô hình cánh đồng lớn thì lại khó đầu ra.
“Nếu hai HTX này kết nối được với nhau thì vừa xây dựng được chuỗi giá trị, vừa hạn chế được chi phí vận chuyển trong lúc giá xăng dầu đang tăng cao như hiện nay. Khi đó, các HTX sẽ có thêm các nguồn lực như vốn để đầu tư về nhân lực, công tác xuất nhập khẩu từ đó dễ dàng đáp ứng các điều kiện trong việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.
Ngoài ra, khi các HTX liên kết được với nhau sẽ giải quyết được bài toán mùa vụ, thời gian thu hoạch, sử dụng sản phẩm trong thời gian ngắn. Ngay việc HTX nông nghiệp liên kết được với các HTX vận tải cũng sẽ giải quyết được khó khăn trong khâu logistics, bảo quản, vận chuyển.
Có thể thấy, chỉ khi các HTX cùng nhau phối hợp nhịp nhàng thì mới có thể phát huy được những thế mạnh của mô hình kinh tế tập thể. Khi đó, HTX sẽ mang lại những trải nghiệm tối ưu cho đối tác, người tiêu dùng, từ đó đưa HTX phát triển hoà chung với xu thế của thế giới.
Huyền Trang