HTX toàn xã hiện nay không bắt buộc tất cả các hộ dân trong xã phải tham gia vào HTX mà hộ nào thấy hay, phù hợp thì làm đơn tự nguyện tham gia hợp tác. Từ năm 2017 trở lại đây, các HTX toàn xã kiểu mới bắt đầu được hình thành và phát triển.
Đến nay, mặc dù số HTX kiểu này chưa nhiều song hiệu quả hoạt động đã tỏ rõ sự vượt trội so với nhiều HTX khác trên địa bàn. Điển hình như HTX Nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh (huyện Văn Quan).
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn tham quan diện tích trồng lúa Nhật của HTX Trấn Ninh (Ảnh tư liệu) |
Hướng tới lợi ích người dân
Theo Giám đốc HTX Hoàng Lê Hoan, sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX đã chủ động chọn hướng phát triển theo mô hình HTX toàn xã với 37 thành viên là các gia đình trên địa bàn xã Trấn Ninh.
Theo đó, HTX hoạt động với mục tiêu lợi nhuận của HTX chính là lợi nhuận mà bà con nhân dân được hưởng chứ không phải vài người đứng lên thành lập HTX rồi thuê người dân, trả công cho họ.
Cũng theo ông Hoan, những năm đầu đi vào hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn, trụ sở làm việc, trình độ của ban quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu… Cùng với đó, Ban giám đốc HTX chưa nhận thức đúng về bản chất HTX khi thực hiện theo Luật HTX… Nhận thức được những khó khăn, hạn chế, Ban quản trị HTX đã từng bước khắc phục.
Ngay sau khi ổn định tổ chức, HTX nhanh chóng bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi đi học tập thực tế cộng với tìm hiểu thị trường, năm 2017, HTX đã lựa chọn phát triển mô hình “Sản xuất lúa cao sản TBJ3 Nhật Bản phục vụ liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
Theo đó, liên kết ở 4 khâu: Khâu đầu vào (gồm giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật) - Khâu sản xuất - Khâu chế biến, bảo quản - Khâu tiêu thụ. Để mô hình đạt hiệu quả, thời điểm đó, HTX Trấn Ninh đã ký kết hợp đồng với CTCP đầu tư và Thương mại Phú Thái (Hà Nội). Công ty bán giống và thu mua toàn bộ sản lượng lúa của HTX.
Qua đánh giá, TBJ3 là loại cứng cây, chống chịu rét tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, thích hợp nhiều chân đất và có thể cấy vụ xuân và vụ mùa, chất lượng gạo dẻo, thơm, ngon, năng suất đạt khoảng 2,5 - 2,7 tạ/sào.
Với mức giá 26.000 đồng/kg, loại gạo này đang được thị trường ưa chuộng và đem thu nhập cho người trồng gấp 2 lần so với giống lúa địa phương. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2017 và gấp 10 lần so với năm 2015.
Mô hình hay, hiệu quả nên nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện xin gia nhập HTX Trấn Ninh, đến nay, HTX có 131 thành viên. HTX Trấn Ninh cũng trở thành một trong 200 HTX của cả nước thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Giống lúa TBJ3 mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên HTX Trấn Ninh (Ảnh tư liệu) |
Nhân rộng mô hình
Tương tự HTX Nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh, từ một HTX có quy mô nhỏ với số lượng thành viên rất ít, HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng đang chuyển hướng sang HTX toàn xã.
Ông Trần Ngọc Oánh, Giám đốc HTX cho biết, tháng 4/2018, HTX được thành lập với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu là sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông – lâm nghiệp.
Trước thực tế hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân xã Cai Kinh thường bỏ trống vào vụ Đông, HTX đã tìm hiểu và liên kết với doanh nghiệp ở Bắc Giang để sản xuất, tiêu thụ khoai tây.
Sau đó, HTX đã đứng ra tổ chức trồng khoai tây. Người dân chỉ cần yên tâm sản xuất, các khâu còn lại được doanh nghiệp lo toàn bộ. Mỗi vụ khoai tây, trừ chi phí, các hộ trồng lãi khoảng 55 triệu đồng/ha. Cùng với khoai tây, HTX còn tập trung sản xuất cây ăn quả. Các thành viên khi tham gia vào HTX được tập huấn, hỗ trợ vật tư, khoa học kỹ thuật để sản xuất các loại cây ăn quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP…
Sau khi đạt được những hiệu quả nhất định, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Cai Kinh đã xin tham gia vào HTX. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay đã tăng lên 250 thành viên.
Một số HTX khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đang phát triển mô hình theo hướng HTX toàn xã như: HTX Sản xuất cây ăn quả thôn Tự Nhiên, huyện Hữu Lũng; HTX Nông lâm sản Cao Minh, huyện Tràng Định….
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù số lượng các HTX theo quy mô rộng, toàn xã chưa nhiều song chất lượng hoạt động của các HTX theo mô hình này đang rất tốt.
Với những kết quả đã đạt được cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, mô hình HTX toàn xã kiểu mới đang từng bước phát triển trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể chung trên địa bàn.
Minh Khuê