Với thế mạnh là tuổi trẻ, có tri thức, thích ứng nhanh nhưng trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, không ít bạn trẻ nhận ra rằng khởi nghiệp bằng mô hình HTX tuy là sân chơi hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách, chông gai.
Không ít thách thức
HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (Bình Định) thành lập vào tháng 10/2020, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Do còn non trẻ nên các thành viên chưa có mối quan hệ để hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị lớn để tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp, cá nhân hiện cũng đầu tư cho mảng nông nghiệp sạch theo hướng chuyên nghiệp nên HTX phải cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường.
Để đứng vững trên thị trường, HTX buộc phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào sản xuất các loại nông sản, đi liền với đó là xây dựng chuỗi cửa hàng bày bán sản phẩm và phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện xây dựng các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng. Nhờ đó, HTX từng bước tạo được niềm tin với người dân và doanh nghiệp, xây dựng được những hợp đồng bao tiêu nông sản lớn.
“Thị trường nông nghiệp sạch tuy có nhiều tiềm năng nhưng HTX của tôi còn non trẻ, tài chính hạn chế nên khó cạnh tranh. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và bán hàng bằng công nghệ lại là thế mạnh của các thành viên. Nhờ đó, các thành viên đều tự tin về năng lực và tận dụng những mối quan hệ có sẵn để phát triển HTX, xây dựng chuỗi giá trị”, anh Phan Châu Hiệu, Giám đốc HTX cho biết.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, từng là thanh niên tiêu biểu ở Bình Phước khi khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước. Anh cũng thành lập doanh nghiệp để sản xuất các loại nông sản, trong đó chủ lực là cây bơ.
Nhưng trong quá trình sản xuất, anh nhận thấy với tổng diện tích 62 ha cây trồng thì rất khó tiến tới xuất khẩu. Vì thế, anh cùng các thanh niên khác tiếp tục khởi nghiệp bằng mô hình HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước.
“Thành lập HTX chính là bước chuyển mình của mô hình nông nghiệp sạch ở nông thôn vì giúp HTX thuận tiện hơn trong việc liên kết với người dân, từ đó dễ dàng hợp tác với các đối tác một cách dài hơi”, anh Hoàng nói.
Dù đạt được những thành công nhất định nhưng theo các giám đốc HTX này, khởi nghiệp là đồng nghĩa với việc chấp nhận thất bại. Bởi theo thống kê, những start-up do các bạn trẻ dưới 35 tuổi quản lý có tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ đạt 3-5%, còn những start-up do những người từ 35 tuổi trở lên, tỉ lệ thành công có thể đạt 10%.
Không ít thanh niên lựa chọn khởi nghiệp từ mô hình HTX. |
Con số trên có thể ở mức tương đối nhưng theo các chuyên gia, thông thường một dự án khởi nghiệp thành công cần người đứng đầu có kinh nghiệm, theo đuổi sản phẩm khởi nghiệp từ 5-10 năm. Những mô hình này cũng phải tích lũy được vốn, có được những mối quan hệ cần thiết và nhất định để đề phòng những rủi ro, vượt qua những “cú sốc” khách quan.
Tuy nhiên, các bạn trẻ khởi nghiệp bằng mô hình HTX còn thiếu một trong những điều này hoặc có những bạn thiếu tất cả. Chính vì vậy mà bản thân các “HTX trẻ” hiện nay tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp nâng cao giá trị của nông nghiệp và khẳng định vai trò của mô hình HTX nhưng ban giám đốc, thành viên của các HTX vẫn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, tham gia các hội chợ, các cuộc thi khởi nghiệp để tiếp tục học hỏi, để được các chuyên gia tư vấn cũng như tìm cơ hội giới thiệu sản phẩm ra thị trường với chi phí thấp.
Loay hoay tìm vốn đầu tư
Thực tế cho thấy, Việt Nam là nước được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế và là “vườn ươm” lý tưởng, màu mỡ cho phong trào khởi nghiệp.
Cụ thể là trong 22,1 triệu người ở độ tuổi thanh niên thì gần 60% thanh niên sống ở nông thôn. Đây là lực lượng quan trọng để phát triển các mô hình HTX khởi nghiệp kiểu mới, thúc đẩy các chuỗi giá trị đặc trưng của địa phương theo hướng bền vững, hiện đại.
Tuy nhiên, nhìn chung phong trào khởi nghiệp thông qua mô hình HTX vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, số lượng các mô hình kinh tế tập thể của đoàn viên thanh niên như tổ hợp tác, HTX còn ít và hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là hầu hết các HTX do thanh niên khởi nghiệp hiện nay thiếu vốn nên khó cạnh tranh, chưa đảm bảo tính bền vững. Trong khi việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn.
Anh Mai Tiến Hòa, Giám đốc HTX Thanh niên tổ chức sự kiện Nguyên Tuấn (Đà Nẵng) cho biết, việc vay vốn nhằm mua sắm trang thiết bị, mở rộng hoạt động kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải có tài sản thế chấp, sổ đỏ. Khó khăn này đã cản trở những ý tưởng các thành viên khi tham gia mô hình kinh tế tập thể.
Còn anh Phan Châu Hiệu, cho rằng hiện nay việc vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội còn hạn chế, dưới 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc bố mẹ của thành viên nào trong HTX vay nguồn vốn ở các các đoàn thể như Hội Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu thì sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo các chuyên gia, việc vay vốn của các HTX thanh niên tại các tổ chức tín dụng còn khó khăn là do luật pháp hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Chẳng hạn như điều 18 Luật Thanh niên năm 2020 ghi rõ “tạo điều kiện ưu đãi cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm và các tổ chức tín dụng”. Nhưng các cơ quan chức năng lại chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện cho vay vốn nên các ngân hàng thương mại chưa làm được điều này.
Chỉ một số địa phương quan tâm đến mô hình thanh niên khởi nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ thanh niên vay vốn ưu đãi nhưng hiện mới chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và mức vay còn thấp. Còn các mô hình khởi nghiệp của các HTX nếu đầu tư theo hướng công nghệ cao, chuyên nghiệp thì mỗi mô hình phải cần nguồn vốn hàng tỷ đồng.
Hiện nay, phong trào bỏ phố về làng cũng là lý do mà nhiều thanh niên lựa chọn mô hình nông nghiệp sạch, HTX khởi nghiệp. Lượng startup gia nhập thị trường lớn đồng nghĩa với khó khăn, thách thức càng nhiều. Nếu không có những “nhà đầu tư thiên thần” sẵn sàng rót vốn, đồng hành với HTX thì các thành viên HTX rất khó phát triển.
Để tháo gỡ thực trạng trên, PGS, TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng thường trực Đại học Luật Hà Nội cho rằng, các ngành chức năng cần xem xét ban hành văn bản để hướng dẫn các ngân hàng cho thanh niên vay khởi nghiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn để thanh niên có cơ hội tiếp cận vốn sở hữu và các nguồn tài chính khác một cách hợp pháp để hiện thực hoá hoạt động khởi nghiệp.
Còn về phía các HTX nên mạnh dạn tiếp cận các quỹ đầu tư, các dự án hoặc vận động các doanh nghiệp tham gia làm thành viên. Tất nhiên để làm được điều này, HTX phải có kế hoạch rõ ràng và lấy lợi thế về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật để thuyết phục doanh nghiệp.
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030 với nhiều hỗ trợ như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn…
Và một trong những mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thành lập 200 HTX do thanh niên làm chủ. Hy vọng rằng đây sẽ là một trong những kênh hỗ trợ hiệu quả và thiết thực giúp các thanh niên khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp thông qua mô hình HTX nói riêng.
Huyền Trang