Hai năm qua, không chỉ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 mà tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại nặng nề đến các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp.
Nhiều điểm chưa phù hợp
Để hỗ trợ các HTX, người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nhà nước đã ban hành Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Đây được coi là chiếc phao cứu sinh giúp các HTX tiếp tục “đứng lên” sau khó khăn, thiệt hại.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện Nghị định 02/2017/NĐ-CP, nhiều địa phương và các HTX cũng cho rằng vẫn còn những hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Hùng Sơn (Thái Nguyên) chia sẻ vào cuối tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng bởi mưa lớn, giông lốc kéo dài trong 2 ngày, toàn bộ 10 sào (1 sào = 360m2) dưa lê chuẩn bị vào vụ thu hoạch của HTX bị ngập úng và hỏng hoàn toàn.
Theo tính toán, chỉ tính riêng tiền mua giống, phân bón, HTX đã mất 30 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.
Trước khó khăn trên, HTX được chính quyền địa phương lên danh sách hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Cụ thể là theo điều 5 của nghị định này, đối với diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, được hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại 30% - 70%, được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha. Như vậy, đối với 0,36ha dưa lê bị thiệt hại trên 70%, HTX được hỗ trợ 720.000 đồng.
“Mức hỗ trợ này là quá thấp so với chi phí ban đầu HTX phải bỏ ra để đầu tư nên các thành viên cũng khó khăn trong quá trình khôi phục và tái sản xuất”, anh Hạnh nói.
Từng bị thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng do mưa lũ trong quá trình nuôi tôm, HTX nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Loan Hoan (Hà Tĩnh) lại gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục hồ sơ để nhận hỗ trợ vì yêu cầu nhiều loại giấy tờ, phải có xác nhận của nhiều cơ quan...
Theo đó, các thành viên phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng do sản xuất theo mô hình HTX, thành viên, hộ liên kết thường chung nhau mua giống để đảm bảo chất lượng đồng bộ, giá cả phù hợp nên giấy chứng nhận kiểm dịch của HTX được cấp theo lô. Điều này khiến nhiều hộ nuôi thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch khi làm hồ sơ và không được UBND xã xác nhận.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho người dân, HTX. |
Các chuyên gia cho rằng, thực tế trên đã phản ánh những bất cập tại Nghị định 02 sau 5 năm đi vào thực tiễn. Cụ thể mức hỗ trợ trong nghị định này hiện quá thấp ở tất cả các ngành nghề. Như đối với sản xuất muối, Nhà nước hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%; thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha. Hay mức hỗ trợ cao nhất với sản xuất lâm nghiệp là 20 triệu đồng/ha, trong khi đây là mô hình sản xuất có giá trị cao, đầu tư lớn, mất nhiều thời gian.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết dù đây chỉ là hỗ trợ nhưng do mức hỗ trợ là cố định trong khi giá thị trường luôn biến động gây khó khăn cho người dân, HTX tái đầu tư sản xuất, nhất là khi chi phí đầu vào đang bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu như hiện nay.
“Nếu mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể xảy ra tình trạng người dân không thiết tha với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí là giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bị chết, bị bệnh ra thị trường, gây tác dụng ngược đến nền kinh tế xã hội”, ông Chinh giải thích.
Bên cạnh đó, nhiều loại cây trồng như dược liệu, hoa, cây cảnh, chuối, dứa, sắn… hay một số vật nuôi mới chưa được quy định cụ thể trong nghị định dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc hỗ trợ người dân.
Chẳng hạn như dừa là cây trồng chính của thành viên HTX nông nghiệp Định Thủy và cũng là cây chủ lực ở Bến Tre. Do biến đổi khí hậu nên loại cây này dễ bị nhiễm hạn mặn. Có thời điểm, hầu hết các vườn dừa của thành viên giảm năng suất, chất lượng 30 - 70%, kéo theo giảm 50 - 60% thu nhập.
Cùng với tác động của dịch Covid-19, người trồng dừa gặp nhiều khó khăn về đầu ra, dẫn đến việc chăm sóc, phục hồi vườn dừa sau hạn mặn rất hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Trúc Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp Định Thủy, quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì cây dừa không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất. Chính vì vậy, Nhà nước cần xét xét bổ sung các loại cây trồng một cách cụ thể, có các điều kiện hỗ trợ sao cho phù hợp với đặc điểm của từng loại cây trồng và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Cấp thiết phải sửa đổi
Theo các cơ quan chuyên môn, Nghị định 02 được ban hành vào năm 2017, trong khi những năm gần đây đã có các luật mới được ban hành, như Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai… Khi các Luật mới này ra đời thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 02 là cần thiết vì một số điều kiện, quy định trong nghị định này đang liên quan đến các quy định của các Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai…
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng hiện, đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của các dự án luật mới cũng mở rộng thì việc hỗ trợ thiệt hại do thiên tai bão lũ, địch họa phát sinh trong đời sống thực tế cũng cần có sự điều chỉnh tương ứng.
Cụ thể như nội dung kê khai số lượng chăn nuôi tập trung ban đầu tại Nghị định số 02 chưa thống nhất với nội dung kê khai số lượng chăn nuôi tập trung ban đầu tại Luật Chăn nuôi. Hay một số loại nuôi trồng thủy, hải sản mới như tôm càng xanh bị thiệt hại nhưng chưa được hỗ trợ…Chính vì vậy cần thống nhất nội dung này để hạn chế khó khăn đối với các hộ dân, HTX.
Đặc biệt là sau dịch Covid-19 và tình hình thời tiết, khí hậu thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng mạnh mẽ và gây hậu quả nghiêm trọng hơn đến quá trình sản xuất kinh doanh của người dân, HTX.
Đi liền với đó là các mức hỗ trợ trong Nghị định 02 trong giai đoạn vừa qua còn thấp. Do đó, các cơ quan liên quan cũng cần tính toán các chi phí đầu vào, đầu ra hay xem xét từng giai đoạn phát triển của cây trồng, vật nuôi để có thể tăng mức hỗ trợ một cách phù hợp hơn.
Ông Tống Xuân Chinh, cho biết khi nâng mức hỗ trợ phù hợp, giảm bớt thủ tục, điều kiện hỗ trợ phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng thì người dân, HTX sẽ ủng hộ đồng tình với chính sách của Nhà nước. Người dân, HTX cũng cảm thấy an tâm hơn bởi khi có thiệt hại xảy ra thì họ cũng có chút ít để khắc phục một phần khó khăn.
Huyền Trang