Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị và đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng của Liên minh HTX Việt Nam. Về phía đầu cầu quốc tế có ông Ariel Guarco, Chủ tịch ICA, ông Li Chunsheng, Chủ tịch ICA-AP, ông Balu Iyer, Tổng Giám đốc ICA-AP và 110 đại biểu là lãnh đạo các Liên đoàn HTX trong khu vực.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Việt Nam hiện là một trong những nước thành công nhất trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19. Để có được thành công này là do sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự đồng lòng và đoàn kết của nhân dân Việt Nam, trong đó có hơn 30 triệu thành viên khu vực KTHT, HTX.
Bên cạnh việc chung tay cùng thực hiện các biện pháp của Chính phủ, các HTX, tổ hợp tác (THT) và đơn vị thành viên của Liên minh HTX Việt Nam (VCA) vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu khác góp phần ổn định thị trường, đời sống của người dân và đời sống chính trị, xã hội.
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 01/2020, Liên minh HTX Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống và các thành viên trong hệ thống về thực hiện phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan chức năng và đã nhận được những tín hiệu tích cực từ các thành viên.
Các đại diện tham dự chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19 |
Đồng thời, VCA cũng kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các thành viên để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: cung ứng các dịch vụ về tín dụng, bao gồm giãn nợ, giảm lãi suất; tiếp tục tư vấn thành lập các HTX mới; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực từ xa...
VCA cũng gửi 25 văn bản chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch với các tổ chức quốc tế và Liên đoàn HTX các nước như ICA-AP, ILO, DGRV, GIZ, Agriterra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nga, Hà Lan, Italia, Pháp, Brazil, Nam Phi... đồng thời gửi văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các thành viên ủng hộ, thực hiện và tham gia các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người có thu nhập thấp, người nghèo, người lao động gặp khó khăn... để không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong đó có các hoạt động như cung ứng các dịch vụ về tín dụng, bao gồm giãn nợ, giảm lãi suất; tiếp tục tư vấn thành lập các HTX mới; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực từ xa, hỗ trợ các HTX tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".
Từ những thực tế này, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị với ICA và ICA-AP. Một là phổ biến kinh nghiệm của Việt Nam và các nước thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh thông qua các diễn đàn như Hội nghị trực tuyến.
Hai là nghiên cứu, dự báo thay đổi của kinh tế thế giới và những tác động tới khu vực HTX, từ đó đưa ra những khuyến nghị cần thiết cho các thành viên của mình.
Ba là nghiên cứu có cơ chế về bảo hiểm và tài chính để ứng phó với những rủi ro không có tiền lệ như đại dịch Covid-19 để có thể giảm thiểu các thiệt hại tiêu cực đối với khu vực HTX.
Bốn là tổ chức xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng của khu vực kinh tế hợp tác mà đầu tàu là các liên đoàn, tập đoàn HTX lớn trên thế giới, có tiếng nói quan trọng để phát triển khu vực này.
Đánh giá cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nói chung và khu vực KTHT, HTX nói riêng, ông Balu Iyer cho rằng, Liên minh HTX Việt Nam cần phát triển hơn nữa những kết quả đã đạt được và tiếp tục đặt ra những mục tiêu lớn hơn.
"Chúng ta phải thay đổi hành vi trong công việc của mình để thích ứng không chỉ với Covid-19 mà với tất cả những gì có thể xảy ra trong khu vực luôn được coi là thành phần quan trọng của nền kinh tế", ông Balu Iyer nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chủ trì đầu cầu Việt Nam. |
Kinh nghiệm cùng phát triển
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Gary Leonardo - Chủ tịch Liên đoàn HTX Philippines cho biết, quốc gia này đang hướng tới mục tiêu "không nghèo và không đói", đến năm 2040, toàn bộ người dân Philippines đều sẽ có cuộc sống đầy đủ.
Do đó, để ứng phó với dịch Covid-19, Chính phủ Philippines đã nhanh chóng có những hoạt động kịp thời đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bộ phận người dân yếu thế, điều chỉnh nhiều chính sách, hình thành các nhóm ứng phó nhanh.
Riêng đối với các thành viên HTX, Philippines đã đưa ra các gói hỗ trợ tập trung vào các HTX nông nghiệp, đưa ra các gói hỗ trợ về hoà nhập xã hội, ngay cả đối với các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao, các gói vay hỗ trợ lãi suất thấp, gia hạn thời gian trả nợ, chi trả lương, tạo dụng những mô hình bảo lãnh cho vay...
Trong thời gian tới, Philippines tiếp tục những mục tiêu chiến lược như xây dựng hành lang thêm nhiều các gói hỗ trợ, thông qua các khoản vay, gói dự phòng để đảm bảo vốn điều lệ cho các HTX, hướng tới tăng cường số hoá, trao đổi trực tuyến, ứng dụng công nghệ cao.
"Để làm được điều này chúng tôi luôn tôn trọng nguyên tắc: HTX chào đón HTX qua đó có thể liên kết, kết hợp với nhau để vững vàng vượt qua đại dịch", ông Gary Leonardo chia sẻ thêm.
Bà Melina Morrison - Tổng giám đốc điều hành Liên đoàn HTX Úc chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chúng ta cần phải đồng hành cùng Chính phủ trong chăm sóc cuộc sống của người dân.
"Tại Úc, chúng tôi tăng cường cung cấp trao đổi chia sẻ thông tin về cách ứng phó thế nào với đại dịch này thông qua các kênh truyền thông khác nhau. Thông qua tuyên truyền đưa ra nhiều cảnh báo với các thành viên HTX, đồng thời vận động các nguồn lực từ Chính phủ để hỗ trợ HTX trong thời kỳ dịch bệnh", bà Melina Morrison nói.
Đồng thời, sử dụng các video phỏng vấn các HTX về cách ứng phó của họ với đại dịch, đây được xem là tư liệu truyền thông, tổ chức các chương trình đào tạo trực tuyến để nâng cao công tác chuyên môn.
Ghi nhận và đánh giá cao những kinh nghiệm của các đại diện các HTX trong khu vực và quốc tế, Chủ tịch VCA cho biết, tính đến nay, đã tròn 27 ngày Việt Nam không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, Chính phủ đã nới lỏng giãn cách và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực trạng dịch bệnh trên thế giới phức tạp như hiện nay, chưa có vaccine, chưa tìm ra nguồn gốc của virus, VCA vẫn tiếp tục yêu cầu khu vực HTX Việt Nam tuy dỡ bỏ giãn cách nhưng vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, song song với việc tuân thủ các điều kiện phát triển sản xuất, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ cho liên đoàn HTX các nước trong điều kiện có thể của VCA.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước, tổ chức quốc tế trong đó có ICA đã nhận diện được tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế thế giới và mỗi quốc gia, cùng với đó là giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế hậu dịch bệnh, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo kỳ vọng những đóng góp ý kiến, đề xuất của VCA sẽ góp phần vào mục tiêu cao cả của toàn khu vực KTHT, HTX hướng tới.
Vân Linh