Đây là một trong những nội dung của Tọa đàm góp ý vào dự thảo “Kế hoạch chiến lược của Liên minh HTX Việt Nam về phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2020-2030” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức phát triển thực phẩm và lâm nghiệp Phần Lan (FFD), Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức.
Tọa đàm góp ý vào dự thảo “Kế hoạch chiến lược của Liên minh HTX Việt Nam về phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2020-2030”. |
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho biết, hiện nay, ngành lâm nghiệp đang quản lý và khai thác diện tích rừng rất lớn. Hàng năm, các sản phẩm lâm nghiệp (gỗ các loại, mây, tre, nứa, lá…) và các sản phẩm khai thác từ rừng (mật ong, cây dược liệu…) ngày càng có nhu cầu lớn trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Khu vực kinh tế hợp tác, HTX lâm nghiệp đã và đang có nhiều đóng góp vào phát triển ngành lâm nghiệp, tuy nhiên, hiện nay số lượng tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp rất hạn chế (176 tổ hợp tác, 122 HTX lâm nghiệp và 6.546 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp có hoạt động lâm nghiệp)…”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu giống cây trồng có chất lượng cao, năng suất thấp; kỹ thuật trồng, quản lý, chăm sóc, khai thác lạc hậu; Chưa đa dạng hóa các sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ, thị trường không ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, thu nhập và đời sống của người nông dân lâm nghiệp còn nhiều khó khăn… các đối tượng này đang rất cần được hỗ trợ để phát triển.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT tại thời điểm ngày 31/12/2018, diện tích đất có rừng toàn quốc là 14.491.295 ha; trong đó rừng tự nhiên 10.255.525 ha, rừng trồng 4.235.770 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn quốc là 13.785.642 ha; tỷ lệ che phủ là 41,65%. |
Trong bối cảnh đó, Liên minh HTX đã đề ra mục tiêu trong 10 năm tới, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam huy động các nguồn lực để tuyên truyền phổ biến pháp luật về lâm nghiệp, bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững và tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái… góp phần phát triển ngành lâm nghiệp để đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu…
Các đại biểu đánh giá cao dự thảo kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp được đầu tư nghiên cứu, xây dựng khá công phu, thiết thực. Để kế hoạch chiến lược này được hoàn thiện, nhóm xây dựng kế hoạch chiến lược cần nghiên cứu, bổ sung thêm các căn cứ, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp Việt Nam năm 2017, Luật HTX năm 2012, các chương trình phát triển kinh tế hợp tác, HTX của Chính phủ… Kế hoạch chiến lược này có thể trình Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam và gửi đến Liên minh HTX tỉnh, thành phố để triển khai.
Hoàng Thùy Linh