Tại Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới tổ chức ngày 8/11, ông Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Những "lực cản" vô hình
Hiện nay, nhiều HTX đã không ngừng đổi mới, phát triển theo chuỗi giá trị, từ đó khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân. Hiện, tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu và rau quả do các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) và các thành viên sản xuất chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước, tỷ trọng các nông sản khác và thủy sản khu vực kinh tế tập thể hiện chiếm 25% - 30%; tỷ trọng sản xuất sản phẩm OCOP chiếm 45%...
Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện, Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường, trong đó có nhiều hộ gia đình khó có thể thành lập doanh nghiệp nên việc liên kết thành các mô hình THT, HTX là hướng đi phù hợp nhằm phát triển thế mạnh địa phương, giải quyết những hạn chế về vùng miền, duy trì sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, HTX muốn phát triển cần phải phù hợp với kinh tế thị trường. Vậy nhưng hiện nay, quá trình hoàn thiện, phát triển và mở rộng sản xuất của HTX để thích ứng với nền kinh tế thị trường vẫn gặp rất nhiều trắc trở. Cụ thể như về đất đai, nhiều HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong việc chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất từ kinh tế hộ vào các HTX, THT.
Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới. |
Bên cạnh đó, muốn sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, HTX cần diện tích đất lớn, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Vậy nhưng, công đoạn thực hiện dồn điền, đổi thửa để phát triển các cánh đồng mẫu lớn của đa số HTX vẫn gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách bất cập, không đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn.
Hiện, trong Luật HTX năm 2012 và một số chính sách khác có quy định HTX được hỗ trợ về giao đất, thuê đất để phục vụ sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Tuy nhiên, tại các địa phương xảy ra tình trạng không còn hoặc còn rất ít quỹ đất công để giao hoặc cho HTX thuê.
“HTX dù rất muốn được giao, thuê đất nhưng chính quyền địa phương trả lời hết đất hỗ trợ. Điều này khiến HTX càng khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng”, ông Bùi Trường Giang cho biết.
Theo bà Lê Thị Hương, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc), hiện nay, HTX vẫn chưa được giao đất nên chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Chính vì vậy, HTX mong muốn cơ quan quản lý tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho HTX có đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến để HTX hoạt động có hiệu quả.
Làm rõ khó khăn trong tiếp cận về đất đai, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết hiện nay, Luật HTX năm 2012 quy định HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm HTX, liên hiệp HTX) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, chỉ quy định cho HTX, liên hiệp HTX thuê đất. “Những quy định chưa được thống nhất, đồng bộ, dẫn tới việc HTX gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận chính sách về đất đai”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường phân tích.
Ngoài ra, có những HTX phải đi thuê đất nên không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó không thể đáp ứng các điều kiện từ phía các ngân hàng để tiếp cận vốn hỗ trợ. Trong khi đó, chi phí HTX phải bỏ ra để trả tiền thuê đất hàng năm lên đến hàng tỷ đồng.
Ngoài vấn đề về đất đai, hiện điểm nghẽn về vốn cũng là lực cản khiến HTX khó thích ứng với nền kinh tế thị trường. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và phát triển HTX, các HTX huy động vốn từ nhiều nguồn, nhưng hầu hết không thể vay vốn của tổ chức tín dụng, không đảm bảo được các điều kiện tín dụng (tài sản thế chấp, phương án kinh doanh…).
Theo các đại biểu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách cho HTX sẽ tạo động lực cho HTX phát triển. |
Bên cạnh đó, nhiều chính sách chưa quy định đối tượng thụ hưởng là HTX như chính sách tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... Nguồn lực hỗ trợ cho HTX phân tán nhiều đầu mối, làm giảm hiệu quả, chưa công bằng trong tiếp cận chính sách giữa các HTX, liên hiệp HTX, THT.
Những lực cản trên cho thấy, môi trường thể chế chính sách hiện nay tuy đã có nhưng chưa thực sự đủ mạnh để khu vực kinh tế tập thể, HTX nâng cao năng lực, thích ứng với thị trường. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với HTX còn dàn trải, mang tính cào bằng, không có khoản mục riêng cho phát triển HTX trong dự toán ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm. Điều này khiến khu vực kinh tế tập thể, HTX khó nâng cao năng lực, thích ứng với nền kinh tế thị trường.
Đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý cho biết, các thủ tục về hồ sơ giấy tờ và các quy định trong tiếp cận các nguồn vốn từ Nghị định 55 và Nghị định 68 còn nhiều khó khăn, nên HTX chưa thể mở rộng được năng lực tài chính, quy mô.
Tạo nền tảng cho HTX
Theo các chuyên gia, khu vực kinh tế tập thể, HTX muốn phát triển thì phải liên kết tốt với các thành phần kinh tế khác để hạn chế khó khăn và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Đặc biệt, HTX có thể liên kết với HTX, sau đó liên kết với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quốc doanh, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài để hình thành các chuỗi giá trị có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả.
Chẳng hạn như nhiều HTX ở miền Trung đang liên kết với Công ty Vinamilk để hóa giải những khó khăn vê sinh kế, vốn, khoa học công nghệ, đất đai, thị trường. Tuy nhiên, muốn làm điều này, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà, bãi bỏ các quy định không phù hợp cho phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Đặc biệt là cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong hỗ trợ về đất đai, vốn và tín dụng, hạ tầng, nguồn nhân lực và thị trường để xây dựng các mô hình HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đó, muốn tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật, văn bản dưới luật liên quan. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, sử dụng quỹ đất công hiện có để cho các HTX thuê, tạo ra quỹ đất cần thiết ban đầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách để kinh tế hộ, các thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tích tụ, tập trung đất đai thông qua các HTX.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Trường Giang cho biết, HTX muốn phát triển đồng bộ, phải cần có vốn. Muốn vậy, cần xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù, dòng tín dụng đặc biệt riêng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Việc cung cấp tín dụng nên dựa trên phương án sản xuất, kinh doanh, dựa trên tín chấp, thế chấp của HTX, đồng thời tạo thuận lợi cho xác nhận, thế chấp bằng quyền sử dụng đất, bằng tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay (ví dụ, như vật tư, máy móc, kết cấu hạ tầng,...).
Hiện nay, kinh tế tập thể, HTX được xác định là cùng với kinh tế nhà nước trở thành trụ cột của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, muốn các HTX, các chính sách pháp luật cần bảo đảm để HTX phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm những nguyên tắc, bản chất giá trị tốt đẹp của HTX.
Ngay như trong việc sửa đổi bổ sung Luật HTX năm 2012 phải bảo đảm vừa định hướng, khuyến khích hoạt động khu vực HTX về đúng bản chất là phục vụ thành viên, phát triển thị trường nội bộ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho HTX, liên hiệp HTX tham gia, mở rộng thị trường giống như doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 cần theo hướng tạo hành lang pháp lý thông thoáng, bảo đảm quyền tự do hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh bình đẳng của HTX. Cụ thể là hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, hỗ trợ HTX góp vốn, góp sức đóng góp cho HTX phát triển…
Bà Lê Thị Hương, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý kiến nghị Đảng và Nhà nước, các cấp sớm có quyết định để các HTX nằm trong đề án 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả, được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, phù hợp trong thời gian tới.
Còn ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Rạch Gầm, cho rằng các cấp và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX mới thành lập về tiếp cận vốn, công nghệ kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá hình ảnh… thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tuyên truyền về chính sách của Nhà nước đối với HTX, từ đó khéo léo gắn thêm thông tin giới thiệu quy mô, sản phẩm của HTX sắp hay đã có mặt trên thị trường… “Những điều này sẽ chắp cánh cho các HTX còn mới, còn non trẻ có đủ lông, đủ cánh, tự tin bay lượn”, ông Liêm bày tỏ.
Trước những thực tế mà mô hình HTX đang trải qua, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Liên minh HTX Việt Nam sẽ hoàn thiện các đề án, các kiến nghị để hiện thực hóa các định hướng về phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Huyền Trang