Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định cho biết, trong năm 2019, toàn tỉnh Nam Định đã có 36 sản phẩm được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Bao gồm: 19 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao. Trong đó, huyện Hải Hậu có 14 sản phẩm, huyện Ý Yên có 4 sản phẩm, huyện Giao Thủy có 3 sản phẩm, huyện Trực Ninh có 3 sản phẩm và TP Nam Định có 12 sản phẩm
Sẽ có thêm 39 sản phẩm OCOP năm 2020
Đặc biệt, có 1 sản phẩm Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân đạt 93 điểm đang được UBND tỉnh trình Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao. Để có được nguồn gạo sạch cung ứng ra thị trường, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, Công ty TNHH Toản Xuân đã ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với hơn 10 HTX ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy với diện tích trên 500ha lúa chất lượng cao. Tất cả các HTX và người dân đã cùng sản xuất một giống lúa chất lượng là Bắc thơm 7. Công ty đầu tư toàn bộ từ khâu chọn giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Nông dân chỉ bỏ công chăm sóc theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do Công ty cử về cùng bám đồng, bám ruộng với thành viên HTX.
Sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định. |
Mọi quy trình canh tác phải thực hiện theo quy định của Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định và của Công ty đã đề ra như giống lúa mua tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, được kiểm tra trước khi gieo và sau mỗi vụ, Công ty sẽ lưu lại mẫu giống đó để theo dõi. Trong quá trình chăm sóc lúa phải bón phân chuyên dùng, phân lót phân hữu cơ theo đúng chỉ đạo của Công ty.
Trước 30 ngày lúa bắt đầu trỗ đòng thì không được phun thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến khi gặt lúa, Công ty sẽ cử cán bộ xuống lấy mẫu ngay tại đồng ruộng, lúa phải đảm bảo chất lượng thì mới cho máy gặt xuống thu hoạch lúa và thu mua thóc tươi của người dân ngay tại cánh đồng. Trong vòng 3 tiếng đồng hồ, thóc phải đưa vào lò sấy để vitamin trong hạt lúa không bị phân hủy.
Trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết, sau khi đảm bảo được nguồn cung ổn định, Công ty TNHH Toản Xuân đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho hàng khép kín, đầu tư và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn lúa/mẻ, cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Gạo sạch được đóng gói trên dây chuyền hiện đại.
Trên mỗi bao bì đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đặc biệt, bên góc trái túi gạo được Công ty in sẵn tem QR Code màu xanh, đây là tem truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi mua hàng, tránh mua phải hàng giả, chất lượng kém. Chuỗi sản xuất lúa gạo của Toản Xuân là đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên tại Đồng bằng sông Hồng được Bộ NN&PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”.
Theo ông Hữu, tháng 3/2020 vừa qua, tỉnh Nam Định đã tiến hành đánh giá đợt 2, với 39 sản phẩm đang được các huyện đề nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm của các HTX được chấm điểm rất cao, như: chả cá Hải Điền, chả mực Hải Điền của HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền; Cao dây thìa canh Hải Hậu ACT của HTX Dược liệu Hải Hậu ACT; Nấm bào ngư Linh Phát của HTX Dịch vụ Linh Phát…
Huyện Hải Hậu đang là huyện đi đầu tỉnh Nam Định trong Chương trình OCOP. Đợt 1 công nhận năm 2019, Hải Hậu đã có 14 sản phẩm của 9 công ty và HTX được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Đợt 2, huyện thêm nhiều sản phẩm đăng ký tham gia OCOP.
Đến nay, qua thẩm định của Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (vào ngày 26/2/2020), huyện Hải Hậu có thêm 26 sản phẩm của 14 doanh nghiệp và HTX đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 1 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Như vậy, dự tính đến hết năm 2020, Hải Hậu có tổng 40 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Qua thực hiện chương trình OCOP sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Hải Hậu thời gian tới.
Phát huy thế mạnh địa phương
Ông Hữu nhận định, số lượng doanh nghiệp, HTX và sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định vẫn còn ít so với khả năng thực tế hiện tại các huyện, thành phố. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm.
Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP thời gian qua còn một số khó khăn, một số cán bộ ở các địa phương chưa nhận thức rõ về bản chất, nguyên tắc cũng như lợi ích khi tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho rằng, mục tiêu Chương trình OCOP là mong muốn nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thông qua việc phát huy thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng từng vùng miền, địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, trước hết cần phải kêu gọi được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ các HTX, các xã, thị trấn có sản phẩm hoàn thiện quy trình sản xuất, nghiên cứu đổi mới kiểu dáng thiết kế mẫu mã, tem nhãn sản phẩm đảm bảo hấp dẫn, phù hợp thị hiếu, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và đặc biệt là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài cũng cần hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất liên kết với các vùng sản xuất nguyên liệu, đồng thời tổ chức nhân rộng quy mô các sản phẩm được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ ổn định.
“Thời gian tới, Chương trình OCOP của tỉnh Nam Định đã và đang hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên (hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm...). Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ và các phương tiện quảng bá; đặc biệt các sản phẩm tiềm năng tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm ở các cấp cao hơn”, ông Tiến cho hay.
Chu Khôi